Đồng
Nai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình sinh sống và
phát triển, tùy theo điều kiện tự nhiên, địa hình ở từng địa phương, mỗi dân
tộc đều có nghề truyền thống với những giá trị đặc biệt về kinh tế và văn hóa rất
cần được bảo tồn, gìn giữ.

Sản phẩm từ dệt thổ cẩm
Đối
với một số dân tộc tại chỗ như Chơro, Mạ, S`tiêng, Cơho thì dệt thổ cẩm là một trong những nghề có
truyền thống lâu đời. Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống bao gồm chăn, váy, khố,
dây quấn đầu….với nhiều loại hoa văn trang trí đa dạng như hình người, con vật,
chim chóc, cây cối,… Tất cả được thể hiện cách điệu qua bàn tay khéo léo của
người dệt, thể hiện tư duy về cuộc sống, thế giới và những kinh nghiệm được đúc
kết, trải nghiệm qua bao đời. Các nguyên liệu dùng để dệt thổ cẩm đều do đồng
bào các dân tộc tự làm từ việc trồng bông, làm sợi, xe chỉ cho đến việc lấy vỏ
cây làm màu,... trải qua nhiều công đoạn như quay sợi, nhuộm màu, mắc khung,
tạo hoa văn, dệt… Dệt thổ cẩm khá vất vả, đòi hỏi người dệt phải kiên nhẫn, có
sức khỏe, đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, nhất là việc tạo hình các hoa
văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối. Các
sản phẩm thổ cẩm truyền thống được làm ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong gia
đình, số ít được sử dụng để trao đổi, buôn bán.
Ngày nay, cùng với sự phát
triển của nền kinh tế công nghiệp, ảnh hưởng của xu thế hội nhập, các sản phẩm
từ thổ cẩm truyền thống đã và đang được thay thế bằng các sản phẩm hiện đại,
phổ biến, thuận tiện hơn cho sinh hoạt. Do đó, nghề dệt thổ cẩm đang bị mai
một, số lượng người dệt cũng giảm, người theo học nghề ít dần. Hiện nay nghề
này còn duy trì trong cộng đồng dân tộc Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú và ấp Hiệp
Nghĩa, thị trấn Định Quán. Các sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại túi xách,
móc khóa, túi ví, các dạng hàng lưu niệm, các loại áo nam, nữ,…được dùng để
trưng bày ở các hội chợ triển lãm, khu du lịch hay Nhà Văn hóa dân tộc.

Làm nỏ
Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, làm nỏ cũng trở thành nghề phổ biến. Do địa bàn sinh sống ở gần
rừng núi, gắn liền với nương rẫy, cây nỏ trở thành “vật bất ly thân” của đồng
bào dân tộc. Thuở xa xưa, cây nỏ là một vật thiêng liêng, tượng trưng cho sức
mạnh và khả năng chinh phục thiên nhiên của người đàn ông. Bất cứ đứa trẻ nào lớn lên cũng biết tới
chiếc nỏ gỗ, nó vừa là vũ khí chiến đấu trong chiến tranh, vũ khí tự vệ khi đi
rừng, đi rẫy vừa là công cụ để tiến hành săn bắt, tìm kiếm thực phẩm cho gia
đình. Ngày nay, cây nỏ lại trở thành một vật trang trí, một thứ để hoài
niệm thời xa xưa, hoặc làm dụng cụ khi thi đấu, giao lưu. Việc bảo tồn và
truyền lại nghề này gần như không thể thực hiện trong cộng đồng mà chỉ còn ở
một số người lớn tuổi.
Chế tác đá ở Bửu Long được hình thành từ
năm 1679 khi những người Hoa đến cư trú tại vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Các
sản phẩm từ chế tác đá rất phong phú và đa dạng, chúng có mặt hầu hết trong các
gia đình từ vật dụng, đồ dùng trong sinh hoạt (cối đá, ly, chén, bình đựng, bộ
cờ,…) đến các cấu trúc trong nhà ở, chùa chiền, đình miếu (tán cột, kèo ngang
hay các mảng trang trí,…) đồ thời cúng (bát nhang, lư hương, đèn, mảng hoa văn,
tượng linh thú, …) trong tín ngưỡng tôn giáo (tượng thờ, khám thời, linh vị,
bia, nhà mồ,…). Trải qua hơn ba thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm, nghề chế
tác đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa và góp phần mang thêm vẻ
đẹp của nhiều công trình kiến trúc trên đất Biên Hòa như Miếu Tổ sư, Thất Thủ
cổ miếu, Chùa Ông, Văn miếu Trấn Biên,…

Chế tác đá
Hiện nay,
trên địa bàn phường Bửu Long còn khoảng 10 cơ sở chế tác đá đang hoạt
động, thị trường tiêu thụ mở rộng ra khu vực miền Đông, Tây Nam bộ và một số
huyện đảo. Phần lớn sản phẩm sản xuất theo các đơn đặt hàng để xây dựng, trang
trí nhà cửa, sân vườn, tâm linh, bàn ghế đá cho các trường học, công viên,
khuôn viên nơi công cộng hoặc gia công lắp đặt các công trình trang trí cho các
trụ sở, cơ quan.
Nghề làm gốm lu xuất phát từ những thợ
gốm người Hoa ở Biên Hòa lập nên từ giữa cuối thế kỷ XIX. Một trong những lò
gốm thành lập sớm nhất là Tú Hiệp Thái, sau đổi thành Quảng Thuận Long, rồi
Quảng Phát Long. Những lò gốm của người Hoa chuyên làm đồ gia dụng với những
loại sản phẩm như lu, hũ, chậu, ghè, mái vú,...bằng gốm sành. Nguyên liệu chủ
yếu là đất sét đồ pha cát nung ở nhiệt độ cao tạo cho sương sành dày, chắc và
cứng. Quá trình tạo ra sản phẩm gốm lu còn mang tính cổ truyền, kỹ thuật chế
tác chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn và qua nhiều công đoạn.... với nghề làm
gồm lu không chỉ nam giới mà cả những phụ nữ người Hoa cũng có thể tạo hình
những chiếc lu có kích thước lớn bằng phương pháp dải cuộn từng phần. Những
người Hoa lớn tuổi ở Tân Vạn hiện nay vẫn còn duy trì nghề làm gốm lu bằng tay
truyền thống.
Điểm qua một số nghề thủ công
truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có thể thấy: nghề thủ công truyền
thống là những tri thức bản địa, thể hiện kỹ năng, sự sáng tạo và thích ứng
linh hoạt của con người trong quá trình sinh sống. Nhiều nghề có lịch sử hình
thành và phát triển qua nhiều thế kỷ đến nay vẫn được bảo tồn, phát huy và hoạt
động thích nghi với tình hình mới, chiếm vị trí đáng kể trên thương trường
nhưng cũng có nghề đã suy vong, mai một. Cùng với sự phát triển của xã hội,
công nghiệp đã tạo ra nhiều loại mặt hàng, sản phẩm có chất lượng cao, tuy
nhiên người tiêu dùng vẫn có nhu cầu sử dụng một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ
độc đáo, có giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, một số nghề vẫn được duy trì hoạt động, nhưng
có phần ít hơn, thu hẹp lại trong một số gia đình có truyền thống lâu đời. Do
đó, việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số là
cần thiết và cần có cơ chế chính sách hợp lý.

Cơ sở sản xuất gốm
Trên cơ sở
khuyến khích phát triển nghề truyền thống như là một chủ trương lớn, một giải
pháp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành
Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 28/2/2007 về phê duyệt Đề án “Khôi phục và phát
triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2006 - 2010” góp phần quan trọng vào việc định hướng bảo tồn và phát triển nghề truyền
thống, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đến nay, đã có nhiều
đề án bảo tồn nghề thủ công truyền thống được phê duyệt và triển khai thực hiện
có hiệu quả, trong đó có nghề gốm và dệt thổ cẩm. Đây có thể nói là tín
hiệu đáng mừng cho nghề truyền thống ở Đồng Nai nói chung và nghề truyền thống
đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Tuy nhiên, phát triển nghề thủ công truyền thống không
chỉ đơn giản là phát triển nghề đó mà đồng thời cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc, mang lại giá trị kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm và phát triển hơn
nữa về ngành du lịch của tỉnh hiện nay. Do đó, trong
thời gian tới, việc phát triển nghề truyền thống cần phải tính đến yếu tố phù
hợp với đời sống xã hội; sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, phải có
chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu; gắn
làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch nhằm giới thiệu rộng rãi
và đưa sản phẩm thủ công truyền thống đến với khách hàng, du khách trong và
ngoài nước. Không dừng lại ở đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về giữ
gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn nghề truyền thống cũng cần được thực hiện
rộng rãi, thường xuyên. Nhưng quan trọng hơn cả là bản thân người dân phải thực
sự hiểu được giá trị nghề truyền thống của dân tộc mình, ý thức được việc cần
phải bảo vệ, trao truyền, dạy nghề cho con em mình, có như vậy nghề thủ công
truyền thống mới được gìn giữ và phát triển một cách tự nhiên, bền vững, góp
phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào các dân tộc./.
Luyến Ngọc