Đồng Nai là tỉnh nằm ở trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích tự nhiên 5.907,1 km2, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố, 09 huyện; 170 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số khoảng 3,2 triệu người, trong đó dân số đồng bào dân tộc thiểu số có trên 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời, phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Mỗi dân tộc đều có văn hóa, truyền thống riêng về ngôn ngữ, trang phục, tập quán, lễ hội... tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc.
Trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai chung sức một lòng, đoàn kết gắn bó theo Đảng, theo Bác Hồ cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước chống lại kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần lập nên những chiến công vang dội, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số chính là nơi nương náu của nhiều chiến sỹ cách mạng tránh sự khủng bố, bắt bớ của giặc. Nhiều người tham gia trực tiếp chiến đấu, có gia đình thì đóng góp của cải vật chất, lương thực cho cách mạng, có người thì bí mật hoạt động ngay trong lòng địch, người thì che giấu bảo vệ cách mạng, có những người mẹ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
* Về những gương tập thể điển hình trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Đồng bào dân tộc Mạ, S'tiêng ở Bù Cháp - Tài Tài, huyện Tân Phú đã ủng hộ, giúp đỡ cho cách mạng về công sức, lương thực, thực phẩm, che dấu cách mạng, dẫn được bộ đội đánh địch góp phần làm nên chiến thắng vang dội La Ngà vào tháng 3 năm 1948. Đồng bào dân tộc Chơ ro vùng Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu là nơi gắn liền với căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Chiến khu Đ). Đồng bào dân tộc đã bám trụ nuôi quân, san sẻ với bộ đội từng củ khoai, hạt muối, gắn bó với cơ quan kháng chiến như đại gia đình, tận tình giúp đỡ cách mạng, bí mật, che giấu cán bộ, tải đạn, cứu thương cho cách mạng. Từ những đóng góp trên, có 126 đồng bào được Đảng, Nhà nước tặng Huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ghi nhận thành tích trên, năm 1996, xã Phú Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Xã Sông Thao, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Hoa, Nùng, Tày là một trong những khu căn cứ cách mạng quan trọng của huyện Trảng Bom trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng bào đã biết cách tạo trong việc mua lương thực, thực phẩm chuyển vào khu căn cứ cách mạng, nhiều đảng viên, đoàn viên, những người làm nhiệm vụ giao liên hoạt động ngay trong lòng địch. Để ghi nhận đóng góp của cán bộ và nhân dân địa phương, vào năm 1994, xã Sông Thao, xã Bàu Hàm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ". Khu căn cứ Bàu Sầm – Long Khánh, đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chơ ro, đồng bào đã anh dũng tham gia chiến đấu, liên lạc, che giấu cách mạng ngay trong lòng địch. Trong 02 cuộc kháng chiến chống Mỹ và thực dân Pháp cứu nước, làng đồng bào dân tộc Chơ ro xã Phước Bình huyện Long Thành cũng là một trong những cái nôi cách mạng. Đồng bào dân tộc đã tham gia tiếp tế lương thực, thuốc men, gùi đạn phục vụ cách mạng. Nhiều người đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng vẫn một lòng trung kiên với Đảng, Bác Hồ và Tổ quốc…
Đường vào làng đồng bào dân tộc ấp 4, xã Tài Lài, huyện Tân Phú ngày nay
* Về thành tích cá nhân tiêu biểu trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Điểu Xiểng tọa lạc tại huyện Xuân Lộc
Người con ưu tú Điểu Xiểng, dân tộc Chơ ro ở làng Võ Dõng là một trong bốn đại biểu tỉnh Đồng Nai trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I. Năm 1946, trên đường đi họp Quốc hội, ông bị giặc Pháp bắt, bọn chúng mua chuộc, dùng nhiều cực hình tra tấn dã man, song ông không chịu khuất phục trước đòn roi của giặc, ông đã cự tuyệt và anh dũng hy sinh. Để tỏ lòng tôn kính, biết ơn người đồng chí cách mạng hết lòng vì dân vì nước, tỉnh Đồng Nai đã đặt ngôi trường dân tộc nội trú mang tên ông tại huyện Xuân Lộc (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Điểu Xiểng).
Anh hùng Liệt sĩ Điểu Cải, là người dân tộc Chơ ro, xã đội Trưởng, tên ông đã gây bao nỗi kinh hoàng cho bọn giặc. Ông hy sinh vào ngày 24/3/1970 khi mới 18 tuổi. Trong thời gian chiến đấu, ông đã tham gia 125 trận đánh lớn nhỏ, bắn chết 142 tên Mỹ - ngụy, bắn rơi 02 máy bay lên thẳng của địch bằng súng K44, bắn cháy 03 xe tăng M113. Ngoài ra, ông còn tìm được bom đạn địch, tự chế tạo thành vũ khí để đánh lại địch. Ghi nhận công lao đóng góp của ông, ngày 06 tháng 11 năm 1978, liệt sĩ Điểu Cải được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay tên của ông đã được đặt cho một ngôi trường tại quê hương của ông là Trường Phổ thông Trung học Điểu Cải (xã Túc Trưng, huyện Định Quán).

Chân dung Liệt sỹ- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Cải
Già làng K' Lư, là người dân tộc S'tiêng, ông sinh ra và lớn lên ở làng Bù Cháp - Tà Lài. Già làng K' Lư còn được mọi người gọi tên khác là Tư K' Lư. Năm ông vừa đúng 20 tuổi đã tham gia đội du kích của làng Bù Cháp, ông được giao nhiệm vụ dẫn đường, vác súng, đạn phục vụ các trận đánh. Trận đánh lớn nhất mà ông tham gia là trận đánh Là Ngà vào năm 1948. Đó là trận chiến mà các chiến sĩ của Chi đội 10 và liên quân 17 rất quả cảm, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang. Đến năm 1972, ông Tư K' Lư được tổ chức phân công giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Độc Lập, tỉnh Tân Phú (nay là huyện Tân Phú). Sau ngày đất nước thống nhất, già làng K' Lư là Huyện ủy viên, phụ trách Huyện đội Tân Phú cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ.
Già làng K' Lư được trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng
Tại làng Lý Lịch, Vĩnh Cửu có già làng Nguyễn Văn Nổi, ông băng rừng, lội suối để tiếp tế, làm giao liên cho bộ đội. Tháng 7-1957, chi bộ Đảng của xã được thành lập, ông được bầu làm Bí thư. Năm 1959, chiến khu Đ bị 20.000 quân địch bao vây dài ngày, mọi ngả đường vào chiến khu đều bị chặn khiến bộ đội có nguy cơ đói vì hết lương thực. Ông huy động lực lượng người dân trong làng đi đào củ chụp để giải quyết vấn đề lương thực, qua đó giúp bộ đội ta đánh bại trận càn của địch. Đặc biệt ông có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Chơ ro.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm già làng Nguyễn Văn Nổi
Ngoài ra còn nhiều gương điển hình anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: ông Điểu Mặn, là người con đồng bào dân tộc Chơ ro, huyện Định Quán được tổ chức tín nhiệm giữ chức xã đội trưởng, ông đã mưu trí và anh dũng, dùng súng B40 bắn rơi máy bay trực thăng trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Sang Văn Mão, dân tộc Chơ ro, đã có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ tại khu căn cứ Bàu Sầm – Long Khánh, sau ngày giải phóng ông trở thành đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh. Đồng bào dân tộc Chăm bị bao vây, kiên quyết đánh trả đến viên đạn cuối cùng…. Trong nhiệm vụ là nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, nhiều thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai tham gia tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ, trong đó điển hình là ông Lương Văn Xuân, dân tộc Thái, hiện đang ở tại xã Bàu Cạn, Long Thành, ông đã có nhiều thành tích chiến đấu tại chiến trường Campuchia và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân….
Các Mẹ Việt Nam anh hùng là người dân tộc thiểu số đã hy sinh thầm lặng, góp phần vào cuộc kháng chiến vệ quốc như: mẹ Điểu Thị Thẹo, dân tộc Chơ ro huyện Định Quán, mẹ Đào Thị Bưởi, dân tộc Chơ ro huyện Định Quán, mẹ Thị Nhẫn ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, mẹ Thị Nghĩa, nguyên quán Bảo Vinh – Long Khánh, mẹ Thị Nhường, nguyên quán Bảo Vinh – Long Khánh, có một người con duy nhất là liệt sĩ. Anh du kích Đào Khuê, dân tộc Chơ ro đã anh dũng, mưu trí, gan dạ, hoạt động ngay trong lòng địch tại vùng Long Khánh … Và còn rất nhiều gương điển hình tiêu biểu là đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc kháng nhiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nhiệm quốc tế tại Campuchia. Đồng bào các dân tộc anh em vừa tham gia trực tiếp, gián tiếp chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc. Nhiều tấm gương đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, mà nay họ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ và hương hồn của họ đã quyện vào hồn thiêng sông núi, để cho Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn và phát triển vững chắc theo mong ước của nhân dân cả nước và Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết một lòng, ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lao động sản xuất trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng bào luôn nâng cao cảnh giác cách mạng trước những âm mưu của các thế lực thù địch, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước xây dựng tốt đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), đây là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Nai đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.