Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2023 đến năm 2025. Trong đó giao Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là một trong mười dự án thành phần của Chương trình. Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) là một trong các mô hình cơ bản của Dự án 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tổ TTCĐ được thành lập 02 mô hình điểm trên địa bàn xã Phú Bình, huyện Tân Phú và xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. Tuy mới đi vào hoạt động, song các tổ TTCĐ đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân. Qua đó, bước đầu thu được những kết quả tích cực. Tại các buổi sinh hoạt, tổ TTCĐ sẽ mở các tin, các bài truyền thông với chủ đề phong phú, thiết thực như tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, về sức khỏe sinh sản, giới tính, hôn nhân và gia đình, môi trường, an toàn thực phẩm, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em,… giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng, ý thức tự bảo vệ, phòng tránh trước những cám dỗ và thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội,…. Với những tài liệu, trang thiết bị truyền thông được Hội LHPN xã trang bị đã giúp các thành viên tổ TTCĐ tuyên truyền được dễ dàng hơn, bà con chăm chú lắng nghe hơn, góp phần tăng hiệu quả truyền thông. Qua đó, giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới, thói quen lạc hậu, công tác bảo vệ môi trường; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế,…
Lễ ra mắt Tổ truyền thông và trao quà cho các hội viên phụ nữ tham dự
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường tập huấn hướng dẫn, củng cố năng lực triển khai tổ TTCĐ cho cấp huyện, các thành viên mô hình tổ TTCĐ; hướng dẫn truyền thông trên nền tảng số chia sẻ, lan tỏa hoạt động của các tổ truyền thông; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã triển khai tổ truyền thông đạt hiệu quả.
Mô hình tổ TTCĐ mới thành lập và còn nhiều khó khăn, tuy nhiên mô hình tổ TTCĐ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cán bộ xã, cán bộ hội phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng tham gia Ban điều hành, đây là một trong những yếu tố thuận lợi trong việc điều hành hoạt động tổ TTCĐ. Các tổ TTCĐ đã và đang tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu về các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng ra mắt tại buổi Lễ ra mắt mô hình
Mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng" được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số./.