Sáng ngày 16 tháng 8 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức tọa đàm về công tác cải cách hành chính, chủ trì buổi tọa đàm có Phó bí thư Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Định; cùng dự buổi tọa đàm còn có các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh.
Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong 08 tháng đầu năm, tỉnh Đồng Nai, đã ban hành chỉ thị và triển khai thực hiện linh hoạt hiệu quả nhiều mô hình, giải pháp cũng như tổ chức thực hiện nhiều cuộc kiểm tra để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 13 nghị quyết, 32 quyết định, rà soát công bố 43 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ, 16 văn bản ngừng hiệu lực và hết hiệu lực một phần; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 69 quyết định công bố thủ tục hành chính, chuẩn hóa 1744 thủ tục, 100% thủ tục được cập nhật lên cổng dịch vụ công quốc gia sau khi được công bố, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 98%; Tỷ lệ hài lòng đạt trên 92% trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Mô hình “không phụ thuộc địa giới hành chính" được triển khai trên 11 huyện, thành phố; Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy đảm bảo theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và giảm số lượng lãnh đạo. Phê duyệt 100% vị trí việc làm cả ba cấp (22 sở, ngành, 11 đơn vị cấp huyện, 170 đơn vị cấp xã) và nhiều đơn vị sự nghiệp công lập; Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị địa phương tăng cường công tác quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan tổ chức, đảm bảo đúng quy định, giao 861 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính; 100% cơ quan Đảng và nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng với 91 điểm kết nối. 170/170 UBND xã, phường, thị trấn được kết nối mạng internet phục vụ công việc, hệ thống thông tin báo cáo được tích hợp kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thông báo của Chính phủ, trung tâm thông tin. Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030" đã được hoàn thiện; 100% cơ quan hành chính 3 cấp hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản, 1523 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 193 thủ tục hành chính thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến.
Các đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm các đơn vị đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận các giải pháp mang lại hiệu quả cũng như nêu những khó khăn vướng mắc trong công tác cải cách hành chính trọng tâm là các nội dung liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị đồng chí Võ Tấn Đức - Phó bí thư Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã kết luận và yêu cầu sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, quán triệt, thực hiện cải cách hành chính theo định hướng là "tập trung doanh nghiệp, hướng về cơ sở"; nâng cao chất lượng phục vụ - giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức.
- Tiếp tục quán triệt về trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ; khắc phục tình trạng chưa sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc, giao khoán cho cấp phó, cho cán bộ tham mưu; nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tại đơn vị, địa phương, thường xuyên tổ chức họp rà soát tiến độ thực hiện khắc phục dứt điểm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để xử lý kịp thời.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đạt yêu cầu đề ra; khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu sâu sát trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp dẫn đến việc giải quyết sai quy trình theo quy định, một số hồ sơ trễ hạn kéo dài, dừng trả hồ sơ chưa đúng quy định, không nhập dữ liệu lên phần mềm một cửa Egov, kết thúc hồ sơ khi chưa có kết quả trả người dân để hạn chế phản ánh, kiến nghị của người dân lên Tổng đài 1022; khi hồ sơ trễ hẹn thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân.