Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Tin địa phương

Thành phố Long Khánh chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 – 2024

Thành phố Long Khánh, hiện có 15 đơn vị hành chính gồm 11 phường và 04 xã; diện tích tự nhiên 191,75 km2. Tính đến nay, tổng số dân toàn thành phố có 41.204 hộ với 162.855 khẩu. Hiện có 12 dân tộc thiểu số sinh sống, với 3.330 hộ và 16.175 nhân khẩu, chiếm 11% dân số thành phố. Trong đó, dân tộc thiểu số bản địa gồm có 04 dân tộc (Chơro, Châu Mạ, K'Ho, S'Tiêng); dân tộc Chơro có 685 hộ với 3.393 người, chiếm trên 21% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số; dân tộc Hoa có 1.739 hộ với 9.151 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó, đoàn kết và có sự giao thoa phong phú, đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ được truyền thống bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình và sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp, làm thuê, một số ít còn lại làm dịch vụ và buôn bán nhỏ. Đồng bào dân tộc thiểu số luôn tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, an tâm làm ăn, sinh sống và nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Nhà Văn hóa đồng bào dân tộc Chơro phường Bảo Vinh đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2022 với tổng kinh phí 73 tỷ đồng, đến nay đã khánh thành và đưa vào sử dụng, đây là dự án được quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, phân chia khu đất dự án thành các phân khu chức năng chuyên biệt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao tinh thần, đời sống của đồng bào dân tộc Chơro nói riêng và nhân dân trong địa bàn nói chung.

 

Đồng bào Chơ ro chuẩn bị lễ vật để thực hiện nghi thức cúng thần tại Lễ hội Sayangva.

Để đưa chính sách hỗ trợ của tỉnh đến gần người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn các xã khu vực I. Thực hiện Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh Đồng Nai về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 – 2025, theo đó đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố sinh sống tại khu vực I được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, đến nay UBND thành phố đã lập và cấp 2.827 thẻ BHYT cho đồng bào, học sinh con em đồng bào (tiểu học, THCS) dân tộc thiểu số 3 xã, phường Bảo Quang, Bình Lộc và Phú Bình.

Thành phố đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tại 42 điểm, với 4.285 lượt đồng bào dân tộc thiểu số tham dự, nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đồng bào dân tộc như: Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân Gia đình; Luật Biển đảo; Luật quốc tịch, Luật thừa kế; Luật đất đai; Luật giao thông đường bộ; xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới giao thông đường bộ; việc sang tên xe chính chủ; xử phạt xe không chính chủ; âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tranh chấp khiếu nại, kích động gây rối làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Tại các điểm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thành phố còn phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí, trả lời trực tiếp cho 42 trường hợp thắc mắc về những vụ việc liên quan tranh chấp quyền thừa kế đất đai, tai nạn lao động trong lúc đi làm thuê.

Phòng Dân tộc thành phố phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam tỉnh Đồng Nai ban hành quy chế phối hợp thành lập Điểm tư vấn pháp luật miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Phòng Dân tộc để giúp đồng bào giải quyết ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ phát sinh ở khu dân cư, các vướng mắc trong quan hệ dân sự … đảm bảo lợi ích chính đáng của đồng bào, góp phần tăng cường đoàn kết trong nội bộ nhân dân, hạn chế các vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2019 đến nay đã thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, các đối tượng nòng cốt trong các tổ chức quần chúng nhân dân từ thành phố đến các phường, xã, trong đó nội dung được quan tâm là đào tạo về trình độ học vấn, lý luận chính trị, công tác dân tộc, chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ, già làng, người có uy tín và thanh niên nam, nữ là người dân tộc thiểu số. Hiện đã đào tạo và tuyển dụng 139 CB,CC,VC, người hoạt động không chuyên trách, trong đó có 08 đồng chí giữ chức vụ chủ chốt; cử 25 cán bộ người dân tộc thiểu số học lớp Trung, cao cấp lý luận chính trị. Đối với cán bộ chưa được đào tạo, UBND thành phố tiếp tục có kế hoạch cử đi đào tạo các khóa ngắn và dài hạn nhằm từng bước đáp ứng kịp nhu cầu công việc ngày càng cao của xã hội.

Để thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền Nhà nước tỉnh Đồng Nai đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số trong học tập, nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm UBND tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn đang theo học tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, dự bị đại học trong và ngoài tỉnh đến nhận tiền hỗ trợ Tết, mỗi em được nhận 720.000 đồng. Từ năm 2019 đến nay, có 140 lượt học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đã nhận được kinh phí hỗ trợ tết của UBND tỉnh Đồng Nai với tổng số tiền là 100.800.000 đồng.

Thành phố Long Khánh có 21 vị được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số kể từ năm 2023 đến năm 2027. UBND thành phố đã tổ chức 05 buổi họp mặt và tặng 105 phần quà cho các vị già làng, người uy tín với tổng kinh phí 52.500.000 đồng; tổ chức thăm hỏi 90 lượt già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ốm đau, bệnh tật với số tiền 45.000.000 đồng. Nhân dịp Lễ, tết truyền thống của đồng bào, thành phố chủ động thành lập đoàn đến thăm, chúc tết đồng bào và tặng 55 phần quà cho các vị già làng, người có uy tín trị giá 55.000.000 đồng; đưa 20 lượt người uy tín tham quan, học tập  kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Thực hiện Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 12/5/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2023 đến năm 2025. Tổng số Dự án theo Chương trình là 10, trong đó thành phố Long Khánh đăng ký nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn I: từ 2023 đến 2025 là 08 Dự án với tổng vốn 24 tỷ 325 triệu đồng và kế hoạch vốn thực hiện 2024 là 20 tỷ 729 triệu đồng. Hiện thành phố đang phối hợp với Hội Phụ nữ thành phố thực hiện Dự án số 8 với nội dung Bình đẳng giới và giải quyết những vấn để cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao nhận thức bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, mở 24 lớp tập huấn cấp thành phố và cơ sở, trong đó có (trường THPT) tuyên truyền Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" năm 2023, chương trình sàn lọc trước sinh, sơ sinh có 2.750 hội viên, phụ nữ, học sinh tham dự. Các Dự án còn lại đang chờ văn bản hướng dẫn, tập huấn, triển khai để thực hiện.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đến nay 15/15 phường, xã đều có trạm y tế; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 100% phường, xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã; trang thiết bị, cơ sở vật chất y tế được trang bị đầy đủ, kịp thời và có bác sĩ phụ trách; 100% hộ đồng bào nghèo, khó khăn được cấp bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh tại các Trạm y tế, phường, xã, phòng khám đa khoa tại các phường và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh; đến nay tỉ lệ đồng bào tham gia BHYT đạt 93,03%. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình trong vùng đồng bào có nhiều tiến bộ, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong vùng đồng bào duy trì mức dưới 1,02%.

Công tác giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đồng bào tại các cơ sở giáo dục mầm non được nâng lên. Công tác phổ cập giáo dục cấp tiểu học, THCS, THPT được duy trì ở các trường có con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Tỷ lệ trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đồng bào lưu ban, bỏ học giảm đến mức thấp nhất, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và số học sinh khá giỏi tăng qua các năm. Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, hiện nay có 52 cán bộ, công nhân viên, giáo viên là người dân tộc thiểu số phục vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Công tác đào tạo nghề được quan tâm thực hiện, giai đoạn 2019 – 2024 đã cử đi đào tạo 25 em học sinh dân tộc thiểu số học tại Trường Cao đẳng nghề số 8, trước yêu cầu xây dựng Quân đội “ Tinh, gọn, mạnh" đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, năm 2023 Trường Cao đẳng nghề số 8 giải thể và chuyển đổi công năng trường để thực hiện nhiêm vụ mới; xét tuyển 18 em vào học tại trường Trường dân tộc nội trú tỉnh, 75 em vào học Trường dân tộc nội trú Điểu Xiểng.

Thực hiện chính sách giảm nghèo, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Những năm qua, bằng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đã xét cho 884 hộ đồng bào vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách, với tổng số tiền 28 tỉ 870 triệu đồng (trong đó: có 470 hộ vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, số tiền 9 tỉ 400 triệu đồng; có 146 hộ vay giải quyết việc làm, số tiền 8 tỉ 750 triệu đồng; có 120 em vay vốn sinh viên, số tiền 4 tỉ 800 triệu đồng; có 148 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo vay vốn sản xuất, số tiền 5 tỉ 920 triệu đồng).

Thông qua các Chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách khuyến nông và các dịch vụ ưu đãi khác đã phát huy hiệu quả thiết thực đến việc chăm lo phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, năm 2019 có 29 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đến đầu năm 2024 giảm còn 19 hộ. Lồng ghép vào các chính sách, đã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể thành phố vận động  các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội 28.775.603.000đ. Xây mới và sữa chữa 131 căn nhà tình thương, tổng trị giá 6.678.400.000đ; hỗ trợ vốn sản xuất cho 7.052 hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền 6.754.025.400đ; hỗ trợ thăm hỏi, khám chữa bệnh cho trên 145 lượt người với số tiền 1.004.397.000đ; hỗ trợ học bổng, xe đạp cho trên 1.870 học sinh, sinh viên.

 

Vận động quà các tổ chức, cá nhân trao quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao được tập trung thực hiện và có 4/4 xã trong vùng đồng bào đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng đô thị loại II vào năm 2025.

Tình hình xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh qua các năm; đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được quan tâm giải quyết; công tác giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khoẻ đồng bào chuyển biến tích cực; bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của chính quyền địa phương./.

 

Lãnh đạo tỉnh và thành phố Long Khánh chụp hình lưu niệm cùng Đoàn đại biểu các DTTS thành phố Long Khánh lần thứ IX năm 2024.​


Đặng Thanh Hiếu

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​