Thực hiện Chương trình công tác dân tộc năm 2024 và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12 tháng 12 năm 2023 của BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (Khóa XI) “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững". Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Long Khánh. Vừa qua Phòng Dân tộc thành phố Long Khánh đã mở lớp truyền dạy nghệ thuật đánh nhạc ngũ âm tại Chùa Hoa Sơn Tự (Phường Phú Bình).
Nhạc ngũ âm là một loại hình mang đậm tính chất tín ngưỡng, gắn liền với nghi lễ và đời sống sinh hoạt của người Khmer. Với âm thanh trầm bổng, nhạc ngũ âm đã làm cho những điệu múa của đồng bào Khmer thêm uyển chuyển, cũng như góp phần tạo nên nét riêng, sinh động của âm nhạc truyền thống, khiến người xem say mê lạ thường. Nhạc ngũ âm là tài sản văn hóa quý, là nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ tết cổ truyền, những nỗ lực bảo tồn đánh nhạc cụ này, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Khmer. Theo em Thạch Thị Mai Phương - học viên Lớp ngũ âm cho biết: Ban đầu cũng hơi khó nhưng học từ từ rồi mình cũng cảm âm được tốt, rất thú vì tại vì nó có nhiều âm thanh phối hợp, tới bộ phận khác nhau tạo nên 5 âm sắc đặc biệt, rất là cảm ơn Phòng Văn hóa – Thể thao thành phố đã tạo điều kiện cho 1 bộ ngũ âm cho chùa để có cơ hội học tập thêm.
Các em học sinh đồng bào Khmer tham gia lớp học nhạc ngũ âm.
Lớp nhạc ngũ âm được tổ chức giảng dạy trong thời gian 01 tháng. Giảng viên là nghệ nhân chuyên nghiệp đến từ Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng. Qua lớp học sẽ giúp cho các học viên nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển và ý nghĩa của nhạc cụ ngũ âm trong văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, đào tạo cho các học viên trở thành các nhạc công ngũ âm chuyên nghiệp có khả năng sử dụng và biểu diễn nhạc cụ ngũ âm tại các sự kiện, lễ hội. Lớp dạy ngũ âm bên cạnh việc gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer còn tạo ra cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, góp phần vào việc giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao mức sống cho bà con.
Trưởng Phòng Dân tộc thành phố Long Khánh chụp ảnh cùng lớp học ngũ âm tại Chùa Hoa Sơn Tự.
Ngày nay, đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng sức sống của nhạc ngũ âm không vì thế mà mất đi, ngược lại luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Những nỗ lực bảo lưu, duy trì loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer trong Chùa nói riêng là điều đáng ghi nhận, bởi nhạc ngũ âm không đơn thuần chỉ là âm nhạc, đó còn là giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cần được lưu giữ và phát huy. Lớp dạy ngũ âm là sự tiếp nối sau thành công của lớp truyền dạy Cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Chơro trên địa bàn thành phố Long Khánh góp phần giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống giúp đời sống tinh thần của đồng Khmer thêm phong phú, sự quan tâm, chăm lo này thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đảm bảo các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển của thành phố Long Khánh trong thời gian tới. Đại đức Thạch Sa Huynh - Trụ trì Chùa Hoa Sơn Tự (Phường Phú Bình), chia sẻ: “Nhạc ngũ âm là linh hồn trong bản sắc văn hóa Khmer nên luôn được phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng hôm nay và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Sự độc đáo và sức sống của nhạc ngũ âm đã góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc nói riêng, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer nói chung"./.