Từ xa xưa do điều kiện sinh sống lâu đời và tập quán cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thường cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ nên đời sống tinh thần của đồng bào rất gần với tự nhiên. Trong mỗi món ăn cũng mang hương vị thiên nhiên núi rừng. Trong đó, còn phải kể đến các món ăn được chế biến từ đọt Mây là một trong những món ăn mang đến những dư vị đặc biệt.
Hình ảnh đọt mây – hương vị núi rừng
Cây Mây thường mọc ở các cánh rừng hoặc được bà con trồng ở vườn nhà để làm hàng rào. Đây là loại cây leo, thân mềm, dài hàng chục mét, bên ngoài lớp bỏ được bao bọc bởi lớp gai dày đặc. Muốn khai thác và sử dụng cây Mây người khai thác phải hết sức khéo léo chặt cây thành nhiều khúc ngắn, kéo từ từ xuống. Đồng bào thường sử dụng Mây để đan lát những vật dụng trong gia đình. Từ xưa, có thể trong quá trình khai thác, khi khát nước đồng bào thường ăn đọt mây non cho đỡ khát, rồi dần dà nhờ vị đặc trưng của đọt Mây, đồng bào đã biến tấu thành món ăn chơi độc đáo.
Đọt mây là nguyên liệu chính, chủ đạo của món ăn. Đọt Mây có vị đắng, ngọt dịu rất tốt cho tiêu hóa. Để có món đọt Mây nướng ngon, người ta chọn những đọt Mây non, bụ bẫm. Sau đó tước bỏ phần vỏ gai và lá bên ngoài. Khi thấy những lõi đọt Mây trắng ngần là được. Đọt Mây sau khi làm sạch được vùi trực tiếp trên than hồng hoặc nướng trực tiếp trên lửa, khi thấy lớp vỏ ngoài chuyển màu vàng đậm là được. Sau khi để nguội, bỏ lớp vỏ cháy bên ngoài, cắt khúc ngắn vừa ăn hoặc xé thành sợi nhỏ. Để tạo sự khác biệt cho món ăn, gia vị chấm cũng hết sức quan trọng. Cách chế biến gia vị cũng vô cùng đơn giản, lấy muối hạt, giã nhuyễn cùng ớt hiểm, có thể sử dụng ớt xanh càng tạo vị cay nồng cho chén muối, vắt chút chanh vào chén. Đọt Mây nướng có mùi thơm, khi ăn có vị đắng nhẹ đầu lưỡi, cảm nhận khi nuốt cuống họng có vị ngọt hậu, bùng thêm vị giác là chút mặn của muối, vị cay nồng của ớt, chua nhẹ của chanh mang đến cho người thưởng thức một ấn tượng thú vị, hấp dẫn, độc đáo đến khó tả, khó quên.
Công đoạn sơ chế đọt mây để chế biến các món xào
Ngoài ra, đồng bào các dân tộc còn biến tấu sử dụng đọt Mây để chế biến các món ăn thường ngày khác như: canh bồi, canh cá, đọt mây xào rau nhíp, đọt mây xào thịt ba chỉ, đọt mây hầm giò heo… Tất cả đều mang lại cảm giác và dư âm mới lạ, độc đáo cho món ăn. Không những thế, trong dân gian còn sử dụng đọt Mây như một phương thuốc để phòng và chữa bệnh sốt rét – Món quà vô giá của núi rừng, của thiên nhiên ban tặng.
Thành phẩm đọt mây xào thị ba chỉ
Đời sống hiện đại ngày nay, đọt Mây càng trở lên khan hiếm và ít người biết đến. Nhưng chắc chắn một điều rằng những thực khách đã từng thưởng thức qua những món chế biến từ đọt Mây không thể nào quên dư vị đắng - ngọt ngào mà món ăn chế biến từ đọt mây mang lại./.