Ngày 12/12/2024, tại Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Xưa và Nay".
Tham dự khai mạc có PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia; PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Bà Lê Thị Ngọc Loan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai; đại diện Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai; đại diện bảo tàng các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu; cùng các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin.
Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày tại Lễ khai mạc triển lãm chuyên đề Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Xưa và nay
Trưng bày triển lãm chuyên đề “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Xưa và nay", gồm hơn 100 tư liệu, hiện vật, với hai chủ đề: Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên xưa và nay; Âm nhạc cồng chiêng trong đời sống của người Tây Nguyên hiện nay. Thông qua trưng bày, du khách có cơ hội tìm hiểu về các bộ cồng chiêng quý của người Ê đê, M'nông, Gia rai, Xơ đăng,… những câu chuyện về bối cảnh âm nhạc cồng chiêng, tập quán đánh cồng chiêng của các cư dân Tây Nguyên, để cảm nhận được tình yêu, sự đồng điệu của những thế hệ, những cộng đồng và những giá trị văn hóa đã được gìn giữ, chắt chiu từ bao đời của người dân Tây Nguyên, từ đó thấy được sự kết nối, sự hòa quyện của quá khứ và hiện đại, của truyền thống và biến đổi. Tham quan triển lãm, người dân và du khách không chỉ được tìm hiểu, khám phá văn hóa các dân tộc mà còn là sự kết nối giữa các cộng đồng, giữa các thế hệ, sự hòa quyện của quá khứ và hiện tại, của truyền thống và đổi mới.
Đại biểu tham quan tại buổi Lễ triển lãm
Nhân dịp này, Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu tới công chúng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhằm tạo nhịp cầu kết nối giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đồng Nai, tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, góp phần gắn kết các cộng đồng và những người yêu di sản văn hóa. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức chương trình giáo dục di sản cho học sinh, nhằm lan tỏa đến thế hệ trẻ vẻ đẹp, niềm tự hào về những đặc trưng văn hóa của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam thông qua di sản văn hóa quý báu: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên".
Các em học sinh tham gia chương trình tại buổi Lễ triển lãm
Cùng với cồng chiêng của Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai gồm đồng bào Chơro, Mạ, S'tiêng, Cơ ho… đã và đang lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng quý. Đặc biệt, trong các lễ hội truyền thống của đồng bào, các bộ cồng chiêng này được nghệ nhân, già làng và cả những người trẻ trình diễn, phục vụ hoạt động tín ngưỡng của dân tộc cũng như nhu cầu tham quan, thưởng thức triển lãm nghệ thuật cồng chiêng của người dân và du khách. Tại một số địa phương như: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Khánh… cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được kết nối, phát triển du lịch. Không chỉ giới thiệu, quảng bá giá trị của văn hóa cồng chiêng tại Đồng Nai đến với du khách mà qua đó còn khích lệ các nghệ nhân, già làng, học sinh… tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Triển lãm chuyên đề “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Xưa và Nay" là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kết nối vùng miền và thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác giữa các cơ quan bảo tàng trong cả nước./.