Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh luôn phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh được cũng cố và ngày càng phát triển. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương. Việc triển khai thực hiện các chính sách đối với dân tộc thiểu số đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng đồng bào cơ bản ổn định, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh luôn được thực hiện đồng bộ từ cơ sở. Đó là thành quả của quá trình lãnh đạo của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai.
Nhà Văn hóa Dân tộc Chơro xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất
Trên cơ sở Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 10/6/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Công tác dân tộc"; Thông tri số 02-TT/TU ngày 24/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh về thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số"; Chỉ thị số 55-CT/TU, ngày 27/4/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Công tác dân tộc" trong tình hình mới. UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai xây dựng hệ thống chương trình, chính sách phù hợp để thực hiện phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chính sách dân tộc tác động đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai
Đối với nhóm chính sách về phát triển kinh tế - xã hội:
Giai đoạn hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc miền núi và thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc hàng năm đều tăng, cơ cấu kinh tế vùng dân tộc tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến và dịch vụ. Cơ cấu cây trồng vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại có quy mô vừa và nhỏ thông qua việc áp dụng tiên bộ khoa học kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực; đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ giàu, khá tăng; đồng bào các dân tộc ngày càng yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết cộng đồng. Hầu hết các xã vùng đồng bào dân tộc đều có đường nhựa đi đến trung tâm; 100% các xã, âp vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hoá, trung tâm học tập cộng đồng; 100% xã có trạm truyền thanh, 100% ấp có cụm loa truyền thanh, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100%; 99,9% số hộ dân tộc có điện sinh hoạt, trên 95% số hộ được sử dụng nước sạch; 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Từ đó góp phần tạo nên diện mạo mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đối với nhóm chính sách về phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc
Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ các hiện vật văn hóa vật thể và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Những hiện vật sưu tầm, lưu giữ đều là những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa mang đặc trưng riêng, phản ánh các sắc thái văn hóa của từng dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường, Xã Túc Trưng, huyện Định Quán
Các Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phục dựng, khôi phục và tổ chức hàng năm, mang đậm sắc thái truyền thống của từng dân tộc, tạo được không khí tươi vui, đoàn kêt và thân ái tại các địa phương. Đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa dân tộc Stiêng, Chơ ro, Mạ, Chăm, Mường... thuộc 06 huyện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời tỉnh cũng đã trang bị 02 đợt gồm: 16 bộ cồng, 15 bộ chiêng, 8 bộ trống, 3 bộ chập chạ, 2 bộ ngũ âm... cho các Nhà văn hóa dân tộc và nơi có đồng bào dân tộc sinh sống. Hiện nay nhà văn hóa dân tộc đã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các lớp dạy sử dụng cồng chiêng, dạy hát múa dân ca bằng tiếng dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát cho con em đồng bao dân tộc thiểu số trong vùng. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, thân ái của các dân tộc anh em, đồng thời phát huy, giao lưu và phục dựng những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc tỉnh nhà. Tại 170/170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có trung tâm học tập cộng đồng và đang từng bước phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Đến nay 98% các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn gia đình văn hóa.
Đối với nhóm chính sách về giáo dục y tế
Đến nay, có 170/170 đơn vị cấp xã và 11/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Duy trì kết quả 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng phát triển giáo dục vùng DTTS theo chương trình chung quốc gia được chú trọng; Cơ sở vật chất trường, lớp kiên cố, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng nhu cầu dạy của giáo viên và học tập, rèn luyện của học sinh.
Trường DTNT tỉnh được đầu tư xây dựng quy mô, khang trang
Về số lượng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số các cấp, có trên 45.000 em ở các cấp học, trong đó có 6.030 trẻ là người dân tộc thiểu số đến trường mầm non, chiếm 90,06% trên tổng số trẻ dân tộc thiểu số từ 3 đến 6 tuổi; 20.743 học sinh dân tộc thiểu số học tiểu học, chiếm 100% học sinh dân tộc thiểu số đủ tuổi đi học tiểu học; 10.847 học sinh dân tộc thiểu số học trung học cơ sở, chiếm 100% học sinh dân tộc thiểu số đến tuổi học trung học cơ sở; 5.590 học sinh dân tộc thiểu số học trung học phổ thông và có gần 2000 sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trong và ngoài tỉnh .
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 170 xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, đa số các trạm đã được xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo đội ngũ y, bác sỹ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đã được trang bị đầy đủ, cơ số thuốc bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số với các chương trình phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng như cầu cho đồng bào DTTS.
Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số có điều kiện tốt trong học tập và vươn lên trong cuộc sống. Việc bố trí công tác và sử dụng sau đào tạo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp được thực hiện đúng chủ trương, mục đích của chế độ cử tuyển, bổ sung nguồn cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn đại học công tác tại địa phương.
Đối với nhóm chính sách tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước
Hàng năm, trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Nội dung thực hiện tuyên truyền các chuyên đề về: Chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; Luật phòng, chống ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy và tệ nạn xã hội khác đối với đời sống con người; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật An ninh mạng; Luật An toàn giao thông đường bộ…
Hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, đa dạng, phong phú và sáng tạo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương như: Tổ chức tuyên truyền miệng; xây dựng tủ sách pháp luật tại cơ sở; thông qua hệ thống loa phát thanh cơ sở; công tác tư vấn trực tiếp; Hội nghị biểu dương, khen thưởng; điển hình tiên tiến; phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín; chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm bằng tiếng DTTS (tiếng Chơro và tiếng Hoa) trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai… Qua đó, góp phần giúp bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự nguyện, tự giác tham gia xây dựng phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", phát huy truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông qua kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; nâng cao nhận thức và từng bước vận dụng pháp luật vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, đồng thời giúp đồng bào nhận thức, hiểu rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với nhóm chính sách phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Với số lượng 206 vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy được vai trò nòng cốt, luôn nắm bắt tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số; là cầu nối đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc thiểu số gần gũi, dễ hiểu nhất. Người có uy tín luôn tiếp cận, chia sẻ với bà con qua cách thức, lời lẽ tuyên truyền gần gũi, khéo léo đã góp phần củng cố niềm tin của bà con vào Đảng, chính quyền, khuyến khích bà con tích cực làm ăn, phát triển kinh tế.
Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục quán triệt trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, phương châm công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước. Nhằm nâng cao nhận thức về chính sách dân tộc của Đảng, ý nghĩa công tác vùng đồng bào dân tộc, từ đó xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc.
Hai là, các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục vùng đồng bào dân tộc nhằm đảm báo các chính sách được thực hiện đến đối tượng thụ hưởng; kịp thời rà soát để kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm tập trung nguồn lực, tránh dàn trải của các chính sách cho phù hợp với thực tiến tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Ba là, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc. Làm tốt công tác tranh thủ vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Kịp thời nắm tình hình và tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, phát hiện giải quyết những bức xúc ở cơ sở tạo sự đồng thuận về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập hợp quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo nhằm nêu cao tinh thần yêu nước và cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội; vận động hỗ trợ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức tự nỗ lực vươn lên, tích cực học tập, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nâng cao dân trí góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách vùng dân tộc.
Năm là, phối hợp hoàn chỉnh đề án tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Làng dân tộc đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" triển khai thực hiện nhằm tạo nguồn lực nâng cao đời sống vất chất vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số./.