Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Bảo tồn nghề dệt truyền thống – góp phần phát triển sinh kế và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mạ ở Đồng Nai

Nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống gắn liền với diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc Mạ ở Đồng Nai, có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế cũng như đời sống văn hóa của đồng bào. Dệt vải là dạng lao động của người phụ nữ Mạ trong những lúc nông nhàn theo chu trình mùa vụ làm rẫy của họ, hoạt động dệt chỉ thực hiện trong phạm vi gia đình nhưng lại cung cấp chủ yếu về đồ may mặc trong cộng đồng. Sản phẩm dệt của phụ nữ Mạ rất phong phú, đa dạng, chứa đựng yếu tố vật chất lẫn tinh thần và tâm linh sâu sắc. Trong giai đoạn hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai có nhiều biến đổi, mai một. Bởi Đồng Nai là địa bàn có quá trình phát triển nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn tới những thách thức lớn đối với nghề truyền thống này. Việc phục hồi, bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc Mạ có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mạ, đồng thời góp phần phát triển sinh kế cho phụ nữ Mạ.

 

Nghệ nhân Ka Bào truyền​ dạy nghề dệt cho con cháu trong cộng đồng

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của UBND tỉnh Đồng Nai[1], hiện dân cư Mạ có khoảng hơn 2.695 người xếp thứ 10 trên hơn 53 dân tộc ở Đồng Nai. Họ sinh sống tập trung và thể hiện tính cộng đồng rõ nét ở hai huyện Tân Phú (1.487 người) và huyện Định Quán (1.001 người), số còn lại sống xen kẽ với các với các dân tộc khác trên địa bàn các huyện, thành phố. Đời sống kinh tế truyền thống của người Mạ chủ yếu dựa vào canh tác lúa rẫy và hoa màu. Trong sản xuất đồng bào sử dụng sức kéo của gia súc và sức người là phổ biến, ngày nay đã sử dụng các loại máy nông cụ. Trước kia, khi cư trú ở vùng rừng núi, tài nguyên phong phú, ngoài trồng trọt người Mạ còn khai thác lâm thổ sản, săn bắt thú rừng, rau củ, gỗ… Ngoài ra, còn có các nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như xà gạt, lao… Nhà ở truyền thống của người Mạ là những ngôi nhà sàn dài, trải qua những năm chiến tranh do chính sách dồn dân lập ấp của chế độ cũ, đồng bào phải di cư qua nhiều vùng đất để sinh sống, do có sự giao thoa văn hóa với người Kinh và một số dân tộc khác nên những ngôi nhà dài đã không còn, nhà ở của đồng bào hiện nay được xây cất như nhà ở của người Kinh. Trang phục truyền thống của người Mạ, đàn ông thường đóng khổ ở trần, phụ nữ mặc xà rông cuốn dài quá bắp chân và mặc áo chui đầu dài tới thắt lưng, mặt sau và trước bằng nhau, cổ áo thấp bằng vai, trong các dịp lễ hội, tết phụ nữ Mạ thường quấn thêm chiếc khăn trên đầu để làm đẹp. Xưa kia người Mạ còn có tục cà răng, căng tai và đeo những bông tai cỡ lớn bằng đồng, kền, ngà voi hoặc bằng gỗ hay những khoanh nứa vàng. Ngày nay, do điều kiện sống thay đổi, sự giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ nên trang phục, trang sức đồng bào sử dụng giống người Kinh, chỉ trong dịp lễ hội mới sử trang phục truyền thống nhưng cũng được cách tân. Cũng như các dân tộc ít người khác, thức ăn của người Mạ có gạo, bắp, khoai mì, rau, thịt rừng… Ngoài ra, họ còn có rau nhíp, nấm, đọt mây, người Mạ có món truyền thống như canh bồi (bùi), canh lá nhíp, đọt mây nướng, bánh nếp và rượu cần.

 

Buổi học nghề dệt của thanh niên Mạ

Trước kia người Mạ có tín ngưỡng đa thần, họ quan niệm thế giới xung quanh đều có các vị thần, các nghi lễ tín ngưỡng trong đời sống gia đình hay cộng đồng đều thờ hướng đến tôn thờ các vị thần như: Yang Kol (thần lúa), Yang Bri (Thần rừng), Yang Dah (Thần nước), Yang Bơ Nơm (Thần núi), Yang Hiu (Thần nhà), Yang Luh (Thần đá)… Vì vậy, trong một năm người Mạ có các lễ hội cúng Thần Lúa (Yang Koi), Thần Núi (Yang Bơ Nơm), Thần Rừng (Yang Bri) với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Lễ hội cúng thần Lúa (Yang Koi) là lớn nhất trong năm của người Mạ, lễ cúng Thần Lúa thường diễn ra vào tháng hai đến tháng ba âm lịch khi người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng, lễ hội thường được tổ chức ở sân nhà dài của cộng đồng, trong lễ hội có thực hiện nghi thức đâm trâu làm vật hiến sinh, vì vậy nhiều người còn gọi là lễ hội đâm trâu. Các lề hội của người Mạ ngày nay đã có nhiều sự giản lược nhưng vẫn bảo lưu được nghi thức và lễ vật theo như tiến trình của lễ hội. Đến nay, người Mạ vẫn còn bảo lưu được kho tàng văn học nghệ thuật dân gian rất phong phú, gìn giữ các loại nhạc cụ như: Kèn, sáo, cồng chiêng, đàn tre… Trong đó, cồng chiêng vừa là tài sản quý nhưng cũng đồng thời là vật thiêng, các loại nhạc cụ thể hiện tính năng độc đáo và sự sáng tạo của người Mạ khi chế tác để phục vụ cho đời sống tinh thần cộng đồng. Cùng với âm nhạc, người Mạ còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, dân ca, luật tục ca (Tam pớt), trường ca và các điệu múa truyền thống. Tất cả các loại hình văn học nghệ thuật dân gian Mạ không chỉ phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động hằng ngày mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Mạ.

Nghề thủ công truyền thống ra đời và gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người Mạ trong suốt diễn trình lịch sử phát triển của tộc người, đồng thời nghề thủ công cũng thay đổi theo những biến đổi của đời sống xã hội. Trong các nghề thủ công truyền thống của người Mạ, nghề dệt thổ cẩm được xem là nghề phổ biến nhất và có sức sống nhất. Dệt thổ cẩm là hoạt động không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng Mạ bao đời qua. Nghề dệt thổ cẩm ra đời và phát triển không chỉ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng mà còn thể hiện, phản ánh khía cạnh văn hóa, thẩm mỹ, lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh, nhân sinh quan về đại vũ trụ… và tùy thuộc vào quan niệm, phong cách, tập mà cách bố cục, thể hiện các mô típ hoa văn trên từng chủng loại thổ cẩm cũng khác nhau. Sản phẩm dệt của người Mạ rất phong phú, đa dạng. Ngoài mang yếu tố vật chất thì sản phẩm dệt còn mang yếu tố tinh thần và tâm linh sâu sắc, các sản phẩm để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong hoạt động văn hóa, lễ hội, đời sống, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, làm sính lễ trong cưới hỏi, làm vật tuỳ táng cho người chết, để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình... có thể nói những sản phẩm từ dệt gắn bó với mỗi người Mạ từ khi sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời.

 Trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống để làm ra một sản phẩm, người Mạ phải thực hiện những công đoạn sau:

- Trồng bông và thu hoạch: Cây bông được trỉa hạt từ đầu mùa mưa của năm trước (tháng 5) và thu hoạch vào cuối mùa khô của năm sau (tháng 3), khi trái bông đã chín được thu hoạch đem về phơi qua sương 1 đêm, ngày hôm sau phơi nắng rồi mới bóc vỏ, tách hạt làm cho lõi bông tơi ra sau đó dùng dụng cụ “đánh bông" nhồi bông cho nhuyễn và phơi bông thật khô.

- Kéo sợi và quay sợi: Công đoạn tiếp theo là dùng cán bông ép cho bông nhuyễn, mịn rồi xe bông thành từng sợi nhỏ, dài; tiếp đến dùng “quay chỉ" quay và kéo cho ra từng sợi chỉ săn chắc, bền, cuộn sợi thành từng vòng tròn có đường kính 50cm bằng một cái khung tre tự tạo.

- Nhuộm sợi: Để nhuộm màu sợi dệt người Mạ sử dụng các loại vỏ, lá, củ và rễ cây rừng làm nguyên liệu nhuộm màu, tạo màu nhuộm sợi là khâu quan trọng nhất, quyết định độ bền và giá trị màu sắc hoa văn của sản phẩm. Công đoạn này phải là người có kinh nghiệm đảm nhiệm, đầu tiên họ chọn vỏ cây, rễ, củ, lá cây sẽ cho ra các màu cần nhuộm, sau đó giã dập và cho vào nồi nấu, tùy theo kinh nghiệm và thói quen để căn thời gian khi đến độ thì đem sợi nhúng vào nồi trong khoảng thời gian vừa đủ thì vớt sợi ra không vắt mà đem phơi thật khô là được. Màu thổ cẩm dệt truyền thống của người Mạ thường là các màu: đen, đen chàm, đỏ, vàng, trắng, xanh… trong đó đen chàm là màu chủ đạo. Những thập niên gần đây, các sợi chỉ màu để tạo hoa văn khi dệt thổ cẩm chủ yếu người Mạ mua sợi công nghiệp nhiều hơn là tự nhuộm, vì sợi công nghiệp dễ dệt hơn, giá cả không cao, không tốn nhiều thời gian, công đoạn.

- Khung dệt: Có kết cấu khá đơn giản gồm những bộ phận tách rời nhau, được làm từ những đoạn lồ ô hay cây rừng, khi chứa sợi dệt chúng kết hợp tạo hình thành một tấm thảm với cấu tạo và chức năng như sau:

+ Bì xa: cây cố định khung dệt, được làm bằng thanh lồ ô già có đường kính khoảng 3,5cm, dài khoảng 80cm - 100cm. Ở hai đầu được khoét vào trong theo hình chữ V có tác dụng làm nơi buộc cố định thảm dệt vào phần bụng người dệt.

+ C'rặc lồng: là một thanh lồ ô rời luôn đi cùng với thanh bì xa, có tác dụng gấp giữ chặt phần vải, giúp tấm thảm dệt rút ngắn lại, vừa tầm của người đan.

+ Vì Nớ: cây thước được làm bằng loại gỗ tốt (thông thường là gỗ bằng lăng), có độ cứng, không bị nứt, bể trong quá trình làm việc. Nớ có tác dụng tạo không gian để luồn chỉ dệt và ép chặt các sợi vải dệt.

+ Tà co (cây dỡ chỉ): là nơi các sợi vải dệt được luồn qua một sợi chỉ mảnh cố định vào thanh lồ ô nhỏ có tác dụng tách các lớp dệt, tạo hoa văn cho sản phẩm.

+ Mơng t'lung (cây lược chỉ): là một thân gỗ nhỏ làm từ cây chà là, có tác dụng tách hai lớp chỉ trong khi dệt.

+ Mơng pọ p'rủ: được vót từ thanh lồ ô hoặc thanh tre, có tác dụng phân lớp chỉ, tạo hoa văn cho sản phẩm.

+ Rà nếch (cây chỉnh chỉ): được vót từ thanh cây lồ ô hoặc cây chà là (tùy khung dệt). Trong quá trình dệt, rà nếch là nơi các sợi chỉ dệt được quấn cố định thành hai vòng, có tác dụng giữ cho phần chỉ không bị rối trong quá trình đan, ngoài ra nó còn có tác dụng làm căng các sợi chỉ giúp khung dệt không bị xê dịch, các lớp chỉ đều và đẹp đồng thời khổ vải cũng đều nhau không bị quá rộng hay quá hẹp.

+ Rà cò lờ: được làm từ cây lồ ô nhỏ có đường kính khoảng 3cm có tác dụng tách rời hai lớp vải (trên và dưới), giúp người thợ dễ dàng dệt vải mà không lo các lớp sợi dính chặt vào nhau.

+ Mơng t'rơm hay mơng zá (cây đạp chân): được làm từ cành lô ô già, có tác dụng giữ và làm căng đầu còn lại của khung dệt. Trong quá trình dệt, người thợ dùng hai bàn chân đạp vào hai đầu của mơng t'rơm giúp kéo căng tấm thảm dệt.

+ Dro p'rài (cây quấn chỉ): làm bằng cây hoặc lồ ô, là nơi chứa các sợi chỉ đan, có tác dụng cung cấp phần chỉ đan cho tấm thảm. Sau khi hết chỉ ở con thoi, người dệt sẽ nối chỉ ở một con thoi khác và tiếp tục công việc còn dang dỡ.

+ Gằn rả guôn crài (khung căng chỉ): Để tạo thành một tấm thảm luồn trong khung dệt, người thợ phải thực hiện khâu căng chỉ. Khung căng chỉ gồm 4 - 6 thanh lồ ô, khi căng chỉ người ta cắm một đầu xuống đất và bắt đầu căng chỉ. Ngày nay người Mạ làm khung căng chỉ bằng kim loại, các thanh tròn được gắn cố định vào một thanh ngang để giữ thăng bằng trong quá trình căng chỉ. Khi căng chỉ, bản thân người thợ phải định hình trước kích thước khung vải và những hoa văn dệt trên tấm thổ cẩm để căn số chỉ và lượng chỉ màu phù hợp. Sau khi căng chỉ xong, người thợ lần lượt đưa các bộ phận trong khung dệt vào phần chỉ đã căng và sửa cho các sợi chỉ thẳng, không bị dính hay lẫn vào nhau rồi mới bắt đầu dệt.

Khi dệt, người dệt ngồi trong tư thế chân duỗi thẳng, lòng hai bàn chân chịu một đầu khung căng của thanh mơng t'rơm, đầu khung còn lại thì dùng dây cột ở hai đầu của thanh bì xa và luồn ra sau lưng người dệt để làm trụ cố định. Hai tay thực hiện luồn sợi và đảo qua lại, mỗi khi luồn xong lại dùng hai tay dập mạnh thanh Vì Nớ về phía bụng người dệt để làm cho sợi ngang thít chặt vào sợi dọc, cứ như vậy mặt vải được tạo dần. Khi tấm thổ cẩm hoàn tất, khung dệt là nhiều thanh tách rời, không dính líu đến nhau. Tùy vào sản phẩm dệt mà người Mạ chọn kích thước khung dệt phù hợp. Thông thường, khung dệt của người Mạ có chiều rộng từ 70cm đến 120cm.

- Sản phẩm: khố, áo, khăn, váy, túi, dây quấn đầu, mền đắp… Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có kích thước, hình dạng, hoa văn… khác nhau khi dệt. Để tạo nên một sản phẩm thổ cẩm, người dệt tốn rất nhiều công sức, thời gian. Đặc biệt, với những tấm thổ cẩm lớn, dài, có hoa văn phức tạp, độc đáo, người dệt phải mất thời gian gấp đôi, gấp ba lần so với những hoa văn thường và chỉ có những nghệ nhân khéo tay, có kinh nghiệm mới thao tác được, đảm bảo sự tinh xảo, đều tay trong từng họa tiết cũng như cách phối hợp màu sắc. Với người Mạ, chỉ cần nhìn vào vị trí các sợi chỉ dệt, cách thể hiện hoa văn, hình dạng của tấm thổ cẩm… là có thể đánh giá được tay nghề của người dệt ra nó.

Qua những công đoạn dệt thổ cẩm của người Mạ có thể rút ra một số đặc điểm:

Thứ nhất, nghề dệt là nghề riêng của những người phụ nữ Mạ (từ xưa cho đến nay không một người đàn ông Mạ nào biết dệt vải), tiến hành trong phạm vi gia đình, trong cơ cấu kinh tế của gia đình thì dệt là một hoạt động hoàn chỉnh: từ khâu tạo nguyên liệu, chế biến, sản xuất, tiêu dùng tại chỗ. Do vậy việc truyền nghề cho người phụ nữ Mạ diễn ra rất sớm chủ yếu bằng truyền miệng và cầm tay chi chỉ việc. Kỹ thuật dệt cho phép thanh nữ Mạ có thể dệt được sau một thời gian ngắn học việc, từ 11 tuổi trở đi thanh nữ Mạ có thể dệt được vải mặc thông thường.

Thứ hai, về kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Mạ thể hiện ở một số đặc tính đó là: Kỹ thuật dụng cụ rời, chỉ liên kết vào một cơ cấu khi tiến hành dệt, vật liên kết là sợi; kỹ thuật giăng sợi thành khung với một kích thước dài, rộng được xác định ngay từ đầu, được chia thành hai tầng, mặt vải được tạo ở tầng trên một cách chậm chạp theo tốc độ quay, đảo của hai tầng ấy; kỹ thuật tạo hoa văn thực chất là đan sợi, tức là hoa văn cùng thời được tạo với mặt vải, mặt vải đến đâu hoa văn đến đó, do việc đan sợi mà phong cách hoa văn trên thổ cẩm là hình học hóa, đồ án hoa văn được tạo bằng những nét thẳng và gãy góc, ngay cả khi diễn tả vật tròn. Các đề tài hoa văn điển hình là động thực vật như nai, mễn, ngỗng, chim, bướm, vượn, đèn cày, cây bông vải...; kỹ thuật dùng màu, về căn bản là màu nguyên hòa sắc tạo thành hiệu quả thẩm mỹ. Đỏ, vàng, xanh, trắng và hai màu nền vải là đen và đen chàm cùng nhau tham gia trong mọi đồ án, bố cục nhưng không gây nhàm chán. Những đặc tính trên dẫn tới hệ quả tư nhiên là năng suất lao động thấp song lại có những tấm thổ cẩm bền, đẹp. Mặt khác, trong những kỹ thuật trên dành cho phụ nữ Mạ một sự sáng tạo cá nhân về hoa văn, thì ngược lại, chúng ràng buộc họ không cho phép khả năng cải tiến các loại vải. Như vậy, nhu cầu và sở thích không phá vỡ lẫn nhau, mà hòa quyện với nhau để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ chỉ dừng lại ở trình độ ấy bao đời qua.

Thứ ba, Nghề dệt phù hợp với nếp sống kinh tế và tinh thần của người Mạ, nói khác đi nó là kết quả tất yếu của nếp sống này. Nghề dệt chỉ diễn ra trong thời gian nông nhàn và những đặc tính của nghề dệt như vừa nêu trên là phù hợp với theo chu trình mùa vụ làm rẫy của người Mạ. Từ xưa, nghề dệt của người Mạ phục vụ cho nhu cầu cá nhân mang tính tự túc tự cấp. Qua thời gian sản phẩm dệt của người Mạ được dùng trao đổi (vật  đổi vật), mua bán, tặng…

Trong khoảng 20 năm qua, nghề dệt đã có nhiều biến đổi so với truyền thống cả về nguyên liệu, quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm. Sự biến đổi này do sự tác động của nhiều nguyên nhân. Trước hết, là do những thay đổi trong các chính sách quản lý của nhà nước về bảo vệ rừng, về giao đất, giao rừng; không gian cư trú truyền thống của đồng bào cũng có nhiều thay đổi… đồng bào Mạ không còn khai thác nguồn nguyên liệu tự thân truyền thống (trồng bông, khai thác thuốc nhuộm); mặt khác do sự phát triển của kinh tế sản xuất hàng hóa đã tạo ra các sản phẩm may mặc công nghiệp được bán trên thị trường với đủ loại sợi, chỉ công nghiệp có giá thành rẻ, tiện dụng, màu sắc đa dạng, không cần không tốn thời gian, công sức cho việc nhuộm màu sợi, độ bền cao; khung dệt cũng được cải tiến bằng thép để đẩy nhanh tiến độ vào chỉ trước khi đan…; do sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các dân tộc (người Kinh là chủ yếu) mà sản phẩm dệt cũng thay đổi phù hợp với thời mới, ngoài sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mới như giỏ xách, bóp, ví, quần áo kiểu mới… cũng phong phú, đa dạng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, xã hội, nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Đồng Nai cũng như nhiều ngành nghề thủ công khác, đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nguyên do quan trọng nhất xuất phát từ chính cái ý thức bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc trong cộng đồng người Mạ đang dần phai nhạt. Sự phai nhạt biểu hiện rõ trong việc người Mạ có xu hướng giảm dần sự dụng trang phục truyền thống, đa số thanh niên thiếu niên Mạ hầu như không còn sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong cộng đồng chỉ còn số ít người lớn tuổi mặc trang phục truyền thống và sử dụng đồ dùng từ nghề dệt truyền thống như: mềm đắp, khăn, túi đựng. Tuổi trẻ người Mạ cũng ít người chịu học nghề dệt, họ cho rằng nghề này vất vả, giá trị kinh tế không cao. Các nghệ nhân có kinh nghiệm, hiểu biết về nghề dệt đang già yếu và ngày càng mỏng dần vì tuổi tác thì lực lượng lao động trẻ lại không thiết tha với nghề truyền thống vì cho rằng nguồn thu nhập từ làm nghề còn thấp và không ổn định. Việc dạy nghề, truyền nghề chỉ diễn ra trong gia đình theo lối cầm tay chỉ việc theo kinh nghiệm của từng người, không có sự thống nhất. Cùng với đó là việc không có sách vở ghi chép nên nếu công việc không ổn định thì nguy cơ bị thất truyền nghề rất cao, điều này về lâu dài sẽ dẫn đến sự thiếu hụt người kinh nghiệm, hiểu biết để duy trì nghề dệt truyền thống của người Mạ trong tương lai.

Số ít nghệ nhân trong cộng đồng dù còn tha thiết bảo tồn, giữ gìn nghề dệt lại gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư mua nguyên vật liệu sản xuất và việc tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm, trên thực tế sản phẩm làm ra của một số nghệ nhân hiện nay chủ yếu là bán cho khách mua đơn đặt hàng từ các địa phương khác, gần như không có sự trao đổi, mua bán để sử dụng sản phẩm trong cộng đồng người Mạ với nhau. Nghề dệt của người Mạ ngày càng ít dần việc sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ (trồng bông lấy sợ, khai thác các loại rễ, vỏ, lá cây rừng làm thuốc nhuộm) do chính sách siết chặt quản lý đất, rừng của nhà nước, nguồn nguyên liệu phục vụ làm nghề, đồng bào phải đặt mua từ sợi, chỉ, nhuộm màu công nghiệp nên sản phẩm làm ra cũng mất dần đi đặc tính truyền thống nguyên bản của dệt thổ cẩm. Mặt khác, các mô típ hoa văn truyền thống trên sản phẩm dệt được xem là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của người Mạ về nghệ thuật tạo hình dân gian cũng dần thay đổi theo kiểu cách tân mà phai nhạt dần hoa văn truyền.

Từ thực trạng hoạt động của nghề dệt truyền thống trong cộng đồng người Mạ đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm, nhằm kịp thời bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của nghề dệt. Vì vậy, với sự nỗ lực gìn giữ của các nghệ nhân trong cộng đồng người Mạ cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ, quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, cá nhân trong việc tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, triển vọng để phục hồi, duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống tiếp tục phát triển và khẳng định được vai trò, giá trị của nghề trong đời sống hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ riếng đối với đồng bào Mạ, mà còn thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Để đạt được kết quả, trước nhất phải từ sự nỗ lực của cộng đồng người Mạ, sự quan tâm của chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh có trách nhiệm tạo lập hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch cũng như các dự án liên quan đến hoạt động bảo tồn, khai thác các giá trị nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mạ theo hướng phát triển bền vững và hội nhập./.

[1] Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về công bố kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.


Nguyễn Trần Kiệt

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​