Huyện Long Thành nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai; Trên địa bàn huyện hiện có 17 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với 1.088 hộ, 4.408 khẩu, chiếm 1,7% tổng số dân trong toàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên địa bàn 14 xã, thị trấn; có 03 dân tộc sống tập trung thành làng gồm: làng dân tộc Chơro xã Phước Bình có 147 hộ với 548 khẩu; làng dân tộc S'tiêng xã Tân Hiệp có 81 hộ với 251 khẩu; làng dân tộc Chăm xã Bình Sơn có 109 hộ với 370 khẩu. Ngoài ra, đồng bào Hoa sinh sống nhiều ở thị trấn Long Thành, Phước Thái, Bình An; đồng bào Khmer, Thái, Tày, Nùng sinh sống nhiều ở các xã: Cẩm Đường, Bình An, Bàu Cạn…
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới".…Trong thời gian qua, cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Long Thành đã tập trung chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác dân tộc. Qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, góp phần tích cực cùng huyện duy trì ổn định mức tăng trưởng kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Từ năm 2019 đến nay, đã cấp phát kinh phí hỗ trợ cho 19 sinh viên người dân tộc thiểu số có hộ khẩu tại tỉnh Đồng Nai đang theo học tại các trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp ngoài tỉnh và các trường đại học trong tỉnh với số tiền 14.250.000 đồng; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số. Trong đó: Gia đình liệt sĩ: 13; Người có công với cách mạng: 06; Anh hùng lực lượng vũ trang: 01.
Ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện Long Thành đã quan tâm, thực hiện công tác chăm lo cho đồng bào như: Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Lễ, Tết truyền thống của các dân tộc thiểu số, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTQVN huyện thành lập đoàn đến thăm và tặng hàng ngàn phần quà cho các hộ đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện; tổ chức họp mặt tặng quà cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Lễ tết với tổng kinh phí 50 triệu đồng; Tổ chức chương trình “Tết quân dân" và các hoạt động chăm lo cho thanh thiếu nhi, người dân tộc thiểu số vui xuân đón tết đã trao tặng 872 phần quà với tổng số tiền 357 triệu đồng, trong đó 20 xe đạp cho các em học sinh làng Chăm có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức 01 gian hàng ẩm thực của đồng bào Chăm. Phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện vận động các nhà hảo tâm và nhóm Thiện Nguyện Long Thành trao tặng 60 phần quà cho các em thiếu nhi dân tộc Dao và dân tộc Chăm đang sinh sống trên địa bàn xã Bình Sơn. Mỗi phần quà bao gồm sữa, gạo, đồ chơi, thức ăn, sách vở, dụng cụ học tập, tổng trị giá 12 triệu đồng; Phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức Ngày hội thanh niên dân tộc, tôn giáo năm 2024 tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro, xã Phước Bình với sự tham gia của gần 500 đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh và người dân làng dân tộc. Trong khuôn khổ đã đến thăm hỏi và trao tặng quà cho Người có uy tín Làng dân tộc Chơro và các hộ gia đình dân tộc Chơro có hoàn cảnh khó khăn.
Tổ chức chương trình “Tết quân dân – Xuân sum vầy" tặng quà cho đồng bào Chăm xã Bình Sơn.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo giảm dần qua các năm: Năm 2019, 2020: Có 10 hộ dân tộc thiểu số nghèo, 03 hộ cận nghèo. Năm 2021, thực hiện theo chuẩn nghèo của Trung ương, toàn huyện có 12 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo; Năm 2023: có 11 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo. Các hộ dân tộc thiểu số nghèo là các hộ già neo đơn, hộ có người ốm đau, bệnh tật, đông con,... Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo như: Hỗ trợ tiền điện miễn giảm học phí cho con em dân tộc thuộc hộ nghèo; Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền Tết.
Công tác đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua được Ủy ban nhân dân huyện quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 15 giáo viên là người dân tộc thiểu số đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn; trường lớp tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được kiên cố hoá, tầng hoá. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cơ bản đáp ứng nhu cầu và ngày càng được tăng cường. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình phòng đọc và học tiếng Chăm tại Thánh đường hồi giáo xã Bình Sơn, tổng kinh phí xây dựng: 736 triệu đồng (trong đó: Ban Chỉ huy Quân sự huyện vận động hỗ trợ 500 triệu đồng; Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn vận động các mạnh thường quân và bà con trong đồng bào Chăm hỗ trợ 236.000.000đ).
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả, tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản; Hiện có 12 bác sĩ và 08 điều dưỡng là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn huyện. Về chính sách BHYT: Huyện Long Thành không thuộc khu vực được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số. BHYT do cá nhân, hộ gia đình tự mua và do cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ; hiện số người dân tộc thiểu số tham gia BHYT là 1.101 thẻ.
Công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống trong những năm qua được các ban, ngành, đoàn thể huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Nhà văn hóa dân tộc Chơro, dân tộc Chăm, dân tộc S'tiêng được xây dựng đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Từ nguồn ngân sách huyện đã hỗ trợ 03 nhà văn hóa dân tộc Chăm, Chơro, S'tiêng số tiền 150 triệu đồng để chi hỗ trợ các khoản chi phí liên quan đến hoạt động của Nhà văn hóa; huyện đã vận động kinh phí xã hội hóa xây dựng Nhà cúng Nhang rừng của đồng bào Chơro, xã Phước Bình với tổng kinh phí hơn 230 triệu đồng.
Đồng bào Chơ ro tại xã Phước Bình tổ chức Lễ cúng Nhang rừng.
Nhằm nâng cao hiểu biết cho đồng bào về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, qua đó vận động đồng bào tích cực tham gia phong trào bảo vệ ANTQ, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào những việc làm vi phạm pháp luật, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 2.000 lượt đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hàng năm Ủy ban nhân dân huyện phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào tại 03 làng dân tộc; Tổ chức 01 đợt sinh hoạt pháp luật và tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơro xã Phước Bình, có 250 người dự, tặng 250 phần quà với tổng trị giá 75.000.000 đồng. Thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc; tuyên truyền tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng tránh để đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ về nguy cơ dịch, không hoang mang và chủ động có sự phòng ngừa. Hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt khu, ấp, tổ nhân dân; tuyên truyền qua các hội, đoàn thể và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.
UBND huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, từ nguồn kinh phí ngân sách huyện, đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nhựa hóa đường giao thông, hệ thống lưới điện quốc gia cho vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số. Cụ thể, đã nhựa hóa toàn tuyến đường giao thông vào làng đồng bào Chăm, xã Bình Sơn dài hơn 3.200m, kinh phí 3,9 tỷ đồng; đường từ cầu Suối 1 vào khu dân tộc S'tiêng dài 4.786m, với tổng mức đầu tư trên 17 tỷ 265 triệu đồng; 04 công trình đường dây hạ thế sau các trạm biến áp tại các xã Phước Bình, Bình Sơn, Long Phước, Phước Thái dài 7690m với tổng kinh phí thực hiện 2 tỷ 698 triệu đồng; tực hiện dự án đường nội bộ khu dân tộc Chơ ro xã Phước Bình với tổng mức đầu tư 14,264 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2024, có 13/13 đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có từ 10 - 15 khu dân cư đạt chuẩn cư dân cư kiểu mẫu; ít nhất 03 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu và cơ bản đạt các tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào vươn lên. Tình hình kinh tế xã hội của huyện từ năm 2019 đến nay không ngừng tăng trưởng; Vùng dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển, đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được đầu tư; các phong tục tập quán, truyền thống, lễ nghi, nét văn hóa đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Công tác giáo dục đào tạo con em đồng bào được quan tâm; Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả lớn; hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh, trật tự an tòan xã hội được giữ vững. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc được tăng cường, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để xuyên tạc, lôi kéo đồng bào gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Người có uy tín trong vùng đồng bào đóng vai trò quan trọng cho công tác xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc và thực hiện các phong trào xã hội trên địa bàn dân cư. Với những kết quả đạt được, tại Hội nghị hiệp thương đã thống nhất chọn cử 10 đại biểu người DTTS dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV năm 2024.
Các đại biểu dự Hội nghị hiệp thương chọn cử Đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, đời sống của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn, việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; đồng bào chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều hộ không có hoặc có rất ít đất sản xuất. Do đó, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp như: Cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện; trong đó, chú trọng đẩy mạnh thực hiện các hoạt động, biện pháp chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số; tạo cơ hội để đồng bào dân tộc tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội, nhất là bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan làm công tác dân tộc. Trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc phải có sự phối hợp thường xuyên giữa các ban ngành, đoàn thể có liên quan,... Công tác tuyền truyền, vận động cần được tổ chức dưới nhiều hình thức linh hoạt, theo hướng đơn giản, dễ hiểu giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo được sự đồng thuận, đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền cần phải biết khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của đồng bào dân tộc thiểu số, làm lực đẩy để đồng bào tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước; Quan tâm, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có trách nhiệm, nhiệt tình phụ trách công tác dân tộc; qua đó, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc; Các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị cần phải có sự tìm hiểu, hiểu biết về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc; Xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của Già làng, Người uy tín và các cá nhân tiêu biểu trong vận động đồng bào dân tộc, động viên họ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động./.