Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Văn hóa - Thể thao

Giữ gìn giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer – góp phần bảo tồn di sản văn hóa ở Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay

​Dân tộc Khmer là một trong tổng số 53 thành phần dân tộc của tỉnh Đồng Nai, với số dân khoảng hơn 23.560 người, chiếm 11% tổng số đồng bào dân tộc ít người và khoảng 0,07% dân số toàn tỉnh[1]. Người Khmer cư trú rải rác, xen kẽ với các dân tộc khác trên địa bàn các huyện, thành phố, một số ít sống thành làng (srok) ở các huyện Định Quán, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, số ít buôn bán nhỏ và làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

(Trang hoàng trong lễ cúng Trăng của đồng bào Khmer)

Ngược về lịch sử nguồn cội, tổ tiên của người Khmer là một bộ phận của lớp cư dân cổ ở Đông Nam Á mà các nhà nghiên cứu còn gọi là người Nguyên Đông Dương (ProtoIndochine). Bộ phận cư dân này sinh tụ ở vùng hạ Lào và Đông Bắc Campuchia ngày nay, trải qua những biến chuyển về mặt nhân chủng, chịu tác động của nhiều thành phần cư dân khác, nhất là thành phần Ấn Độ, Mã Lai, Môn Khơ me, đã hình thành nên loại hình Khmer[2]. Người Khmer di cư đến vùng đất Nam Bộ vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Đây cũng là thời kỳ đế quốc Chân Lạp bước vào suy yếu sau thời kỳ hưng thịnh của vương triều Angkor bởi những cuộc tranh chấp nội bộ và sự đe dọa của nước láng giềng là phong kiến Xiêm La. Trong tình trạng rối ren đó, một bộ phận người Khmer đã rời bỏ quê hương, theo dòng sông Mêkông tiến dần xuống hạ lưu châu thổ, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Nam Bộ ngày nay, tìm đất sống. Họ đã trốn chạy khỏi ách áp bức, bóc lột của các thế lực phong kiến Chân Lạp đương thời đến cư trú trên những giồng đất ở lưu vực thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sau tiếp tục chuyển cư lên khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.

Phương thức sản xuất kinh tế truyền thống của người Khmer là canh tác nông nghiệp lúa nước, nhưng khi định cư ở Đồng Nai hoạt động kinh tế này không còn phổ biến trong đời sống của họ, bởi đây là vùng đất cao chỉ thích hợp canh tác rẫy. Trải qua quá trình khai hoang, sản xuất và tổ chức đời sống, từ thực tiễn xã hội đã hình thành nên một cộng đồng người Khmer với lối sống khoáng đạt, năng động, linh hoạt, trọng thực tế và hiệu quả. Người Khmer ở Đồng Nai rất giỏi trong việc khai phá rẫy và trồng trọt các loại nông sản, cây lương thực trên đất rẫy, việc trồng lúa nước vẫn duy trì, nhưng diện tích canh tác không nhiều. Hiện nay, việc trồng các loại cây lương thực như lúa, bắp, sắn... trên rẫy của người Khmer gần như không còn mà được thay bằng các loại cây công nghiệp như cao su, điều, hồ tiêu... do có năng suất cao hơn.

Trong văn hóa tổ chức cộng đồng truyền thống, người Khmer định cư thành từng srok (làng), srok được quản lý bởi Ban quản trị, mà người Khmer gọi là Kanakameka. Người đứng đầu trong ban quản trị này gọi là Mê srok, do người trong srok bầu lên. Ông là người có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, biết cách xã giao, ứng đối... Ông cùng với các thành viên trong Ban quản trị chịu trách nhiệm trong việc quản lý srok và giao tiếp với bên ngoài, lo việc bảo vệ an ninh trật tự của srok, tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ srok, giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, gia đình dựa trên các phong tục tập quán... Ngày nay, vai trò của Mê srok được thay thế bởi vai trò của trưởng ấp (thường là người Khmer) trong cộng đồng.

Người Khmer ở Đồng Nai đến nay vẫn bảo lưu những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, được thể hiện rõ qua các nghi lễ liên quan đến vòng đời người như: sinh đẻ, hôn nhân, tang ma… tất cả được xem là việc hệ trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời người, cho nên người Khmer còn thực hành nhiều tục lệ kiêng kỵ nhằm tránh được những điều xấu, rủi ro trong cuộc sống cho mỗi thành viên và cả cộng đồng.

Văn hóa lễ hội truyền thống của người Khmer có nét độc đáo riêng đó là mọi hoạt động lễ hội đều gắn bó với ngôi chùa Phật giáo Nam tông. Hầu hết các lễ hội lớn nhỏ trong năm đều được thực hiện tại các ngôi chùa. Lễ hội của người Khmer có thể phân loại thành ba loại: các lễ hội truyền thống (lễ vào năm mới, lễ cúng ông bà, lễ cúng trăng); các lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian (lễ cắt tóc trả ơn mụ, lễ giáp tuổi, lễ cưới, lễ lên nhà mới, lễ nhập thần, lễ cúng sân lúa…); các lễ hội bắt nguồn từ Phật giáo (lễ ban hành giáo lý, lễ Phật đản, lễ nhập hạ, lễ an vị tượng Phật, lễ cầu siêu…). Lễ hội Khmer mang nét độc đáo bởi đã hình thành trong môi trường văn hoá mang màu sắc tôn giáo, gắn liền với những hình ảnh của những ngôi chùa, tiếng kinh âm vang trong phum srok nhưng vẫn thể hiện đậm đà tính chất dân gian qua những lễ hội vui chơi lành mạnh nhưng cũng không mất đi tính chất thiêng liêng.

 

         (Chùa Hoa Sơn - phường Phú Bình, thành phố Long Khánh)

Ở Đồng Nai, lễ hội truyền thống thường diễn ra tại hiện 2 ngôi chùa lớn là chùa Hoa Sơn Tự  (thành phố Long Khánh) và chùa Thái Hòa (huyện Định Quán) với một số lễ lớn như: lễ Chol Chnam Thmay (tết cổ truyền), lễ Sel Đol Ta (lễ cúng ông bà), lễ cúng trăng (lễ Ok Om Bok), lễ Visac Bôchia (lễ Phật đản) đây là những lễ hội tiêu biểu mang tính cộng đồng của người Khmer.

- Lễ Chol Chnam Thmay (còn gọi tết cổ truyền) được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm. Trong tiếng Khmer, cụm từ Chol Chnam Thmay có nghĩa là mừng năm mới hay lễ vào năm mới. Trong đó, Chol có nghĩa là vào (vào lễ), Chnam là năm, còn Thmay là mới. Như vậy, hiểu Chol Chnam Thmay có nghĩa là tết mừng năm mới. Tên gọi khác của lễ này là lễ chịu tuổi, theo cách gọi của người Khmer, tức là tết mừng năm mới của người Khmer (giống người Kinh có tết Nguyên đán). Lễ được diễn ra trong ba ngày, từ ngày 7 đến ngày 10 tháng Chert Phật lịch (nhằm từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hoặc ngày từ 13 đến ngày 16 tháng 4 dương lịch). Lễ Chol Chnam Thmay là thời điểm giao mùa: hết mùa nắng và bắt đầu mùa mưa. Ngày đầu là “Sangkran", ngày giữa là “Varavanapata" (ngày mù - ngày rỗng), ngày thứ ba là Tân thiên can “Lơn săk" (ngày bắt đầu bước vào năm mới). Trong suốt ngày lễ mọi công việc đều dừng lại, những người ở xa gia đình đều quay về sum họp với gia đình. Trong mỗi ngày lễ, mọi người đều tập trung rất đông tại các chùa để cúng dâng lễ và vui chơi, hát múa văn nghệ truyền thống dân tộc và tham gia thực hành các nghi lễ: lễ đưa “Têvađa" năm cũ, rước “Têvađa" năm mới; lễ rước “Maha sangkran" (rước đại Nông lịch); nhà chùa thì tụng kinh cầu an phúc chúc, thuyết pháp nói về ý nghĩa của lễ Choi Chnâm Thmey; lễ đắp núi cát; lễ tắm tượng Phật; thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu, chúc phước cho người đã mất…

 

(Chùa Thái Hòa, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán)

- Lễ Sel Đol Ta (lễ cúng ông bà). cũng là một trong những lễ hội lớn của đồng bào Khmer được tổ chức định kỳ hằng năm vào ngày 30 tháng 8 lịch Khmer trong 3 ngày nhằm tưởng nhớ đến công ơn của ông bà, tổ tiên trong gia đình, dòng họ. Đặc trưng của lễ hội này là con cháu dù đang đi làm ăn ở đâu xa cũng hướng về quê hương, nguồn cội và được tổ chức rất trang trọng. Trong ngày lễ họ dọn dẹp bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên rồi trang trí hoa thơm, bày trái cây, nhang đèn, bánh tét, trà, thuốc... những gia đình có điều kiện thì mời sư sãi đến gia đình tụng kinh, làm lễ cầu siêu cho linh hồn các bậc tiền bối, sau đó họ chuẩn bị cơm nước đem vào chùa. Buổi tối, nhà chùa tổchức tụng kinh, thuyết pháp để truyền giảng những điều dạy của đức Phật với những nội dung khuyên con người sống từ bi bác ái, hiếu thảo với ông bà cha mẹ... Chính vì thế, lễ này không chỉ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của cháu con đối với người đã khuất mà còn thể hiện sự quan tâm của tín đồ Phật giáo đối với các vị sư sãi, nhà chùa trong những ngày kiết hạ. Từ lễ này, người Khmer giáo dục con cái phải biết nhớ ơn những người đã khuất, tức là phải biết nhớ ơn nguồn cội của mình, đặc biệt là công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ; đồng thời, nhắc nhở mọi người rằng cần phải sống có trách nhiệm, nghĩa tình đối với ân nhân của mình.

 

      (Thực hành nghi thức tưởng nhớ ông bà, cha mẹ trong Lễ Sen Dolta)

- Lễ cúng trăng (lễ Ok Om Bok). Theo tiếng Khmer Ok Om Bok có nghĩa là đút cốm dẹp, tiếng Ok Om Bok có thêm nghĩa là cúng trăng. Đây là một lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa dân gian Khmer. Lễ cúng được diễn ra trong không gian thường là một nơi rộng rãi không có bóng cây che. Tại điểm cúng, trước khi mặt trăng lên, người dân tụ tập lại đông đủ để chuẩn bị cúng. Theo quan niệm của người Khmer thì mặt trăng thuộc thủy và thổ tượng trưng cho nước và đất, mặt trăng chính là chủ của đất và nước và cũng chính là đại diện cho thần đất và thần nước. Bởi vậy, các loại hoa, củ, quả, cây trái... mà con người gieo trồng trên trái đất sống được là nhờ ơn của mặt trăng. Do vậy, sau khi kết thúc mùa vụ bà con thường lấy sản vật nông nghiệp làm lễ cúng để tạ ơn mặt trăng.

 

                    Mâm lễ chuẩn bị trong lễ Oc Omk Boc (cúng Trăng)

- Lễ Visac Bôchia (lễ Phật đản) được tổ chức ngày 15 tháng 4 âm lịch (ngày rằm trăng tròn) nhằm ôn lại ba sự kiện trọng đại của đức Phật: Đản sanh - Thành đạo - Nhập niết bàn. Người Khmer thường tập trung ở chùa để tham gia lễ này và được tổ chức trong một ngày đêm, với các nghi lễ dâng cơm cho chư tăng, nghe chư tăng thuyết pháp, tụng bài kinh tưởng nhớ đến ân đức của Phật, tụng kinh cầu an cho bá tánh. Trong  dịp lễ này, các chùa còn tổ chức thả hoa đăng để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc. Trong suốt đêm rằm người Khmer ở lại cùng chư tăng tiếp tục đọc kinh cho tới sáng, sau khi dâng cơm cho chư tăng xong lễ Phật đản mới kết thúc.

Qua một số lễ hội truyền thống của người Khmer, chúng ta nhận thấy tất cả các lễ hội đều mang ý nghĩa nhân sinh độc đáo, không chỉ chứa đựng niềm tin tâm linh của cư dân Khmer, mà còn tác động đến chính cuộc sống hàng ngày của từng thành viên và cộng đồng. Người Khmer lấy Phật giáo Nam tông làm nền tảng tinh thần, vì vậy khi đến chùa, họ luôn với tâm thế tự nguyện, với tấm lòng thành hướng về Đức Phật, trải lòng với Đức Phật về những ưu tư trong cuộc sống. Mỗi người sẽ có những cầu nguyện khác nhau nhằm mong được cứu giúp. Họ tin rằng những điều khấn nguyện sẽ trở thành hiện thực. Tại ngôi chùa, mỗi người Khmer còn thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã quá vãng khi thực hiện các nghi thức dâng cơm cúng và được các chư tăng tụng kinh cầu siêu cho người đã chết; Chùa còn là nơi toàn thể tín đồ trong cộng đồng sám hối và nghe thuyết pháp nhằm vận dụng giá trị nhà Phật vào đời sống hằng ngày của họ. Ngôi chùa cũng được xem là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là chỗ dựa quý báu giúp cho cộng đồng Khmer vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần, vật chất trong đời sống hiện tại, đồng thời cũng là niềm an lạc cho bản thân mỗi người khi đã thực hiện đầy đủ những nghi lễ trong niềm tin tôn giáo. Người Khmer luôn hướng về ngôi chùa, xem ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cố kết cộng đồng.

Tỉnh Đồng Nai với hơn 325 năm lịch sử hình thành phát triển, là mảnh đất đã sinh tụ đa dạng, phong phú giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc, tạo nên bản sắc riêng có của vùng đất này. Hiện nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hoá con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững"[3], trong đó các giá trị văn hóa truyền thống luôn có vị trí quan trọng, là nguồn lực tiền đề cho sự xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai. Vì vây, việc nhận diện và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên nền tảng bản sắc văn hóa từng cộng đồng dân tộc, từng địa phương là cần thiết.

Đối với cộng đồng người Khmer ở Đồng Nai, trải qua lịch sử phát triển đã xác lập một diện mạo kinh tế - văn hóa - xã hội rõ nét, lễ hội truyền thống của cộng đồng người Khmer như là cầu nối để củng cố mối quan hệ bền chặt giữa các thành viên trong cộng đồng, giữ gìn những giá trị văn hóa, đạo đức, nếp sống tốt đẹp của thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau. Lễ hội truyền thống cũng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của cộng đồng thông qua tổ chức thực hiện các nghi lễ và các hoạt động hội. Việc nhận diện và gìn giữ giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của người Khmer góp phần bảo tồn di sản văn hóa trong tỉnh, phục vụ giáo dục truyền thống, hình thành các nhân cách văn hóa và xây dựng môi trường xã hội lành mạnh - nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững./.
       Trần Kiệt

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Minh Giang (2017), Bảo tồn và Ρhát huy giá trị di sản văn hoá trong chiến lược phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Di sản văn hoá với Chiến lược phát triển bền vững" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia tổ chức tháng 3 năm 2017 tại Hà Nội.

2. Vũ Khánh (2012), Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam, Nxb. Thông tấn.

3. Ngô Văn Lệ (2017), Vùng đất Nam Bộ - Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, tập VII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.

4. Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh (2015), Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội.

5. Cục Thống kê (2019), Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở - thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb. Thống kê.

[1] Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc công bố kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

[2] Vũ Khánh (2012), Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam, Nxb. Thông tấn.

[3] Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững.​


Trần Kiệt

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​