Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó xu hướng phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai nói chung và du lịch huyện Vĩnh Cửu nói riêng chú trọng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phát huy thế mạnh giá trị văn hóa dân tộc với mong muốn giới thiệu để du khách tham quan du lịch hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.
Vĩnh Cửu là huyện bán trung du có diện tích tự nhiên trên 109 ngàn ha, trong đó, có gần 80% là diện tích đất rừng và lòng hồ Trị An. Huyện có 12 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và thị trấn Vĩnh An, với 64 ấp, khu phố. Trong quá trình hình thành và phát triển, huyện Vĩnh Cửu là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Trong đó có dân tộc Chơ ro là một trong bốn dân tộc tại chỗ sinh sống lâu đời trên mảnh đất Đồng Nai. Hiện nay dân tộc Chơro trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu trên 200 hộ, gần 900 nhân khẩu sinh sống tập trung tại ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý.
Con đường thơ mộng đưa du khách về Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai,
Màu xanh trải dài ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Nói đến Vĩnh Cửu không thể không nói đến Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận vào ngày 29/06/2011, nơi đây trở thành Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là Khu dự trữ sinh quyển thứ 8 tại Việt Nam. Khu Bảo tồn thiên nhiên có diện tích khoảng 100.571 ha và được ví như Cổ máy điều hòa tự nhiên của vùng đất Đông Nam Bộ, rừng già hay lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ. Nơi đây mang kiểu rừng nhiệt đới, bao gồm khu rừng nguyên sinh tự nhiên, rừng phục hồi mới và cả lòng hồ thủy điện Trị An…. Trong đó: Rừng và đất rừng: 68.000 ha. Hồ Trị An chiếm diện tích là 32.520 ha, nhà máy thủy điện Trị An là đập chặn dòng cuối cùng của con sông chảy trong nội địa dài nhất Việt Nam sau đó nhập vào dòng Sông Bé và chảy về sông Sài Gòn.
Lộc vừng mùa trổ bông tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách
Trong những năm qua, hàng năm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai tiếp đón và phục vụ trên 45.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm học tập tìm hiểu truyền thống lịch sử tại các di tích về điểm rừng chiến khu D, tham quan di tích Trung ương Cục Miền Nam. Đặc biệt khi về với Vĩnh Cửu có nhiều đoàn khách đến đây còn mong muốn được khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa dân tộc tại chỗ của người Chơro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý.
Qua hoạt động trải nghiệm thực tế du khách tham quan mong muốn được hiểu sâu hơn về văn hóa của người Chơro, cụ thể là các hoạt động như: Tham gia buổi lễ hội, chế biến các món ăn truyền thống của người Chơro như: cơm lam, thịt nướng, canh bồi, canh lá bép, hoặc tham gia chuyến hành trình thử nghiệm đi hái rau rừng, đào củ chụp, hái đọt mây, lá bép.. để chế biến các món ăn dân giã mang đậm chất đồng bào hoặc du khách có thể học đan lát, trồng trọt, đánh cồng chiêng và tập hát dân ca Chơro… Đây luôn là những hoạt động trải nghiệm lý thú thúc đẩy du lịch gắn với việc giới thiệu, quảng bá những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây về văn hóa và hình ảnh của người Chơro đến với khách tham quan một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Nhà dài, đánh cồng chiêng và trang phục truyền thống của dân tộc Chơro trong mỗi dịp lễ SaYangva
Du khách sẽ say lòng khi thưởng rượu cần trong mỗi dịp lễ hội Sayangva
Ấn tượng nhất vào dịp Lễ Sayangva của đồng bào dân tộc Chơ ro, du khách sẽ được thưởng thức một không gian lễ hội cực kỳ độc đáo, ấn tượng. Lễ Sayangva (hay Lễ cúng thần lúa) được tổ chức định kỳ vào tháng 3 âm lịch hàng năm sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng. Theo thông lệ Sayangva thường diễn ra vào hôm trăng sáng tại Nhà dài. Sau phần lễ rước thần Lúa, đại diện già làng, người có uy tín trong đồng bào đọc bài khấn cầu xin cho mùa màng sang năm được bội thu, cuộc sống của bà con luôn được ấm no, hạnh phúc. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên trong thanh sắc vui tươi, rộn ràng trong niềm vui của dân làng mở ra một không gian lễ hội thật vui vẻ. Sau phần lễ, bà con thưởng thức rượu cần và giao lưu ẩm thực bằng các món ăn truyền thống của đồng bào như: thưởng thức rượu cần, cơm lam, thịt nướng, canh bồi, bánh nếp… song song là hoạt động hội cũng diễn ra mang lại không khí vui vẻ cho bà tham dự: các chàng trai, cô gái trổ tài bắn nỏ, đẩy đậy, đi khà kheo… buổi tối diễn ra hoạt động đốt lửa trại và giao lưu các tiết mục văn nghệ. Qua đó du khách hiểu thêm các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro ấp Lý Lịch, xã Phú Lý và cảm nhận được sự đoàn kết gắn bó cộng đồng, chia sẻ, đùm bọc của bà con trong cộng đồng xóm, ấp cùng nhau thực hiện tốt phong trào: “Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư".
Trong tương lai không xa, huyện Vĩnh Cửu đang thúc đẩy các hoạt động du lịch nhằm quảng bá và giới thiệu cho du khách thêm nhiều địa điểm hấp dẫn khi đến với nơi đây. Và với những đặc sắc, đặc trưng về văn hóa tín ngưỡng, phong tục, tập quán vốn có của người Chơro thì việc kết nối thúc đẩy du lịch gắn với bản sắc văn hóa truyền thống sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho ngành du lịch huyện Vĩnh Cửu nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung./.