Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Văn hóa - Thể thao

Lễ hội chùa Ông lần thứ IX năm 2024, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

​Lễ hội chùa Ông Biên Hòa năm 2024 diễn ra từ ngày 18 đến 22 tháng 2 (tức từ ngày 9 đến 13 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều nghi lễ như: lễ nghinh thần xuất du theo đường thủy và đường bộ diễu hành ngược sông Đồng Nai với quãng đường khoảng 5 km; lễ vía Đức Ông Quan thánh Đế quân; thả phúc khí cầu, thả hoa đăng trên sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, tuồng; giao lưu thư pháp Việt - Hoa, hoạt cảnh sân khấu.

 

Chùa Ông Biên Hòa – Thất phủ cổ miếu tọa lạc tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa

Chùa Ông Biên Hòa (Thất phủ cổ miếu) được kiến tạo vào năm 1684, tiếp giáp với sông Đồng Nai, là ngôi chùa có niên đại sớm ở Nam bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Được xem là ngôi chùa cổ kính linh thiêng ở vùng đất Nam bộ hiện nay. Ngôi chùa nay đã trùng tu, phục dựng và được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Ở Đồng Nai, có nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ Quan Công, lâu đời và quy mô nhất là ở chùa Ông cù lao Phố, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa (Thất phủ cổ miếu). Lễ hội này (còn gọi là lễ cúng Quan Thánh Đế Quân) được xem là lễ hội Quan Thánh Đế quy mô nhất ở Nam bộ. Tại đây, hàng năm, có nhiều ngày lễ,  lễ chính từ mùng 9-13 tháng Giêng Âm lịch được xem là lễ hội mang nhiều giá trị văn hóa nhất.

 

Lãnh đạo tỉnh đến thăm và chúc mừng Lễ hội chùa ông lần thứ IX năm 2024

Lễ hội chùa Ông cù lao Phố, phường Hiệp Hòa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2023. Lễ hội chùa Ông là tín ngưỡng dân gian thờ Quan Công, một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc, được người Hoa, người Việt thờ phụng, tấm lòng trung thực, nghĩa hiệp, khẳng khái, độ lượng, bao dung của một con người luôn quên mình vì người khác; nói cách khác là do ở 5 đức tính: Trung, nghĩa, nhân, trí, dũng. Tục thờ Quan Công đến Nam bộ theo con đường nhập cư của lớp người Hoa đến xứ Đồng Nai từ năm 1679, sau  nhanh chóng được Việt hóa.

 

Các đoàn nghinh thần trang hoàng cờ xí lộng lẫy, hóa trang, trang phục truyền thống dân gian, các đội lân - sư - rồng, nhạc cổ truyền trên đường phố

 

Đoàn diễu hành nghinh thần trên sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa

Quan Công thường được thờ trong nhà như một vị thần bản gia “đức Ông độ mạng" và thờ ở chùa, miếu như một phúc thần có công khai hóa. Ở trong nhà, phổ biến là hình thức trang thờ hoặc khám thờ, treo cao trong gian chính. Tục xưa thường thờ bằng một bức dán giấy đỏ đề chữ nho “Quan Thánh Đế Quân" hoặc loại tranh thờ vẽ trên gương gồm hai loại: Tranh ba ông và Tranh năm ông. Việc cúng Ông gắn với lễ thức cúng bái của gia đình và các ngày vía Ông. Cúng Ông có thể món mặn hoặc món chay.

 

Thả hoa đăng trên sông Đồng Nai vào ban đêm

Lễ hội chùa Ông được xem là biểu hiện rõ nét của bản sắc văn hóa Việt Nam ở Đồng Nai. Bởi vì, cư dân ở Đồng Nai hội nhập từ tứ xứ, tha hương ở vùng đất mới dễ kiếm sống nhưng khó thiết lập những quan hệ bền chặt nên rất trân trọng tình cảm “đồng cảnh ngộ", nhiều lúc nó thiêng liêng hơn quan hệ họ hàng. Vì chung nỗi niềm xa xứ mà cư dân Việt, người Hoa dễ hội nhập với nhau. Tổ tiên, thần thánh, niềm tin của người Hoa cùng một hệ nông nghiệp nên thâm nhập vào thần điện cư dân Việt khá dễ dàng và ngược lại.

 

Quang cảnh thả phúc khí cầu tại thành phố Biên Hòa trong Lễ hội Chùa Ông

Lễ hội chùa Ông là biểu hiện của bản sắc đẹp trong văn hóa Việt Nam, nhất là ở Nam bộ: Tích hợp văn hóa đa nguồn, chung sống an lành trong tín ngưỡng đa hệ. Lễ hội diễn ra đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của cộng đồng Hoa – Việt và thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc./.


Thổ Thanh Minh

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​