Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Một số vấn đề cần lưu ý trong điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Ngày 05 tháng 01 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS), giao Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện.

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2014 (Điều tra DTTS 2024) là cuộc điều tra được tiến hành nhằm hình thành hệ thống thông tin, số liệu phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc; thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số, các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Do có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn nên cuộc Điều tra đã nhận được sự quan tâm rất sát sao từ Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cũng như Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc.

Xác định đây là cuộc Điều tra có nội dung phức tạp, việc thu thập thông tin đảm bảo nhiều chỉ tiêu khác nhau, nên trong công tác triển khai cần lưu ý một số điều sau:

Một là, do Điều tra DTTS 2024 là cuộc điều tra có quy mô lớn, đòi hỏi phải có sự phối, kết hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan Thống kê và cơ quan Dân tộc ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Hai là, do địa bàn rộng và khối lượng điều tra tương đối lớn nên để thực hiện cuộc điều tra cần phải huy động một lượng lớn người tham gia. Điều này sẽ tăng tính phức tạp của công tác tổ chức, từ tuyển chọn và tập huấn người lập bảng kê, điều tra viên, tổ trưởng, công tác hậu cần, tổ chức điều tra thực địa và hoạt động kiểm tra, giám sát, ...

Ba là, do đây là cuộc điều tra có nội dung phức tạp, có những câu hỏi nhạy cảm, thời gian thu thập thông tin kéo dài, lại sử dụng công nghệ thông minh (CAPI) trong xử lý thông tin nên trong tuyển chọn và tập huấn điều tra viên, tổ trưởng cần lưu ý một số điểm sau: Điều tra viên cần được chọn từ những người có tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết về địa phương có địa bàn điều tra. Trong số điều tra viên được chọn thì lựa chọn người có tinh thần trách nhiệm cao hơn, có khả năng tổ chức công việc, có kiến thức tốt hơn và được tập huấn nghiệp vụ chu đáo làm nhiệm vụ tổ trưởng. Đây là cuộc điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số nên địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, rất khó khăn cho tổ chức điều tra thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Thời gian thu thập thông tin kéo dài trong 45 ngày, do đó công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên phải được thực hiện kỹ lưỡng.

Bốn là, công tác lập bảng kê được tiến hành trên một khối lượng địa bàn rất lớn trong khi việc thiết kế mẫu bảng kê của cuộc điều tra này yêu cầu thu thập thông tin chi tiết cho từng dân tộc của các thành viên trong hộ. Vì vậy công tác tuyển chọn người lập bảng kê phải đặc biệt coi trọng. Cần đảm bảo tuyển chọn được những người có đủ trình độ, am hiểu về địa bàn trên địa bàn được giao. Khi lập bảng kê phải đến từng hộ để xác định chính xác loại dân tộc của hộ cũng như số lượng người theo từng dân tộc trong hộ.

Năm là, do nhu cầu thu thập thông tin nên phiếu hỏi được thiết kế gồm nhiều phần, mục đích để thu thập nhiều loại thông tin khác nhau (thông tin về dân số, lịch sử sinh của phụ nữ, thông tin về lao động việc làm, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của hộ). Vì vậy, Điều tra viên phải xác định rõ các thông tin để hỏi cho từng đối tượng điều tra khác nhau.

Một điểm khác biệt lớn trong cuộc điều tra này là thông tin về tình trạng hôn nhân, lịch sử sinh của phụ nữ, lao động việc làm được hỏi cho những người từ 10 tuổi trở lên thay cho mức 15 tuổi ở các cuộc điều tra khác (Ví dụ: thông tin về tình trạng hôn nhân và việc làm hỏi cho những người từ 10 tuổi trở lên, thông tin về lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai hỏi cho phụ nữ từ 10 – 49 tuổi), đây là một điểm điều tra viên cần đặc biệt lưu ý để tránh bỏ sót đối tượng điều tra.

Sáu là, về công tác tuyên truyền cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng trong tổ chức thực hiện Điều tra 53 DTTS năm 2024. Để đồng bào DTTS hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin cho điều tra viên. Cục Thống kê cần chú ý các phương tiện thông tin đại chúng và duy trì hình thức sử dụng đĩa CD phát thanh trên hệ thống truyền thanh của xã, phường.

Bảy là, công tác kiểm tra, giám sát cần được tập trung đẩy mạnh, phải xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, đặc biệt là phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trong quá trình giám sát giữa các đơn vị của Tổng cục Thống kê và các đơn vị của Ủy ban Dân tộc ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Tám là, về nghiệm thu và xử lý thông tin: Cục Thông tin Dữ liệu chủ trì nghiệm thu dữ liệu điều tra trên phạm vi cả nước. Cục Thống kê chủ trì việc nghiệm thu dữ liệu điều tra trên phạm vi tỉnh, thành phố. Cục Thông tin Dữ liệu chủ trì phối hợp với Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Ủy ban Dân tộc và Cục Thống kê thực hiện kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều tra phục vụ tổng hợp và phân tích kết quả điều tra; thực hiện tính quyền số và tổng hợp kết quả đầu ra theo mẫu biểu đã thiết kế.  

Chín là, về kinh phi điều tra, trong phạm vi dự toán được giao, Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt cuộc Điều tra DTTS 2024 theo đúng nội dung của Phương án điều tra, văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thống kê và các chế độ tài chính hiện hành.

Thông tin và số liệu thu thập được trong cuộc điều tra này là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và để các tỉnh, thành phố hoạch định chính sách dân tộc cho giai đoạn 2026 – 2030./.


Hồ Thị Tuyết Nhung

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​