Trước kia, xã Phú Lý tiền thân với tên gọi là xã Lý Lịch. Xã
Phú Lý là địa
bàn vùng xa
của huyện Vĩnh Cửu, cách trung tâm huyện 40 km về phía Đông Bắc, gắn liền với
căn cứ Cách mạng Chiến khu Đ. Nơi đây là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào
dân tộc Chơ ro. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ, người Chơ ro đã cùng với nhân dân cả nước, một lòng theo Đảng, theo
Bác Hồ và đóng góp công sức cho cách mạng.
* Những đóng góp của đồng bào dân
tộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu trong thời kỳ kháng chiến
Khi thực dân Pháp xâm lược, vây bắt dân làng vào khu tập
trung, khai chỉ căn cứ cách mạng thì đồng bào một mực từ chối với tinh thần
không theo thực dân Pháp, một lòng che chở cho các cán bộ, chiến sĩ cách mạng
về hoạt động. Trong những năm tháng gian khổ ở Chiến khu Đ, đồng bào Chơ ro là
điểm tựa nương náu hoạt động của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Cả làng Lý Lịch dù
sống cảnh nghèo khổ nhưng vẫn gom góp lương thực chuyển về Chiến khu Đ, đón
nhận cưu mang những người thoát ly kháng chiến, nuôi giấu và che chở cho đoàn
vũ trang tuyên truyền, các cán bộ, chiến sĩ , tham gia giúp đỡ đoàn vận tải
lương thực hoàn thành nhiệm vụ... Bà con đồng bào người Chơ ro tại Lý Lịch
không quản khó khăn, gian khổ, vẫn luôn hoàn thành những công việc được cách
mạng giao phó. Nhiều người trở thành những chiến sĩ giao liên dũng cảm, vượt
qua rừng núi để chuyển thông tin đến căn cứ, tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Già làng Năm Nổi hướng dẫn đào củ
chụp trong một chuyến thăm Chiến khu Đ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: tư liệu
Trong thời kỳ chống Mỹ, địa bàn xã Lý Lịch là nơi đứng chân
hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội. Người dân Chơ ro tiếp tục theo
cách mạng kháng chiến. Khi quân Mỹ và tay sai tổ chức nhiều trận đánh, đồng bào
Chơ ro bám trụ, giúp đỡ tận tình cán bộ, chiến sĩ cách mạng, nuôi giấu cán bộ
tại chỗ, cung cấp, vận chuyển lương thực, nhường cơm xẻ áo, vót chông, rào làng
để giữ vững đường dây liên lạc với cách mạng trong những thời điểm đầy khó
khăn, thử thách. Những năm Chiến khu Đ bị địch đánh phá, tình trạng thiếu lương
thực gay gắt, đồng bào Chơ ro đã đào củ chụp hỗ trợ cho các đơn vị cách mạng
tại Chiến khu Đ tại khu rừng Bằng Lăng (sau có tên gọi là đồi củ Chụp) dùng
thay cho lương thực. Trong cộng đồng dân cư Chơ ro ở Lý Lịch nổi bật lên những
người con ưu tú như: Năm Nổi (Nguyễn Văn Nổi), Hồng Văn Hộ, Hồng Văn Hàng, Hồng
Văn Hà, Hồng Văn Lượng, Hồng Văn Huế, Hai Ngộ, Hai Nghĩnh, Văn Dó...
* Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước,
tỉnh nhà và địa phương đối với bà con đồng bào dân tộc Chơ ro
Ghi nhận đóng góp của đồng bào dân tộc Chơ ro, sau ngày đất
nước thống nhất, đồng bào được Đảng, Nhà nước trao tặng 126 Huân, Huy chương
kháng chiến, trong đó: 52 Huân chương hạng Nhất, 24 Huân chương hạng Nhì, 12
Huy chương hạng Ba. Đặc biệt, năm 1996, xã Phú Lý được Nhà nước phong tặng danh
hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mà công lao đóng góp trong đó có
đồng bào dân tộc Chơ ro.
Được
sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng làng định canh
định cư cho bà con đồng bào dân tộc Chơ ro mỗi hộ một căn nhà với diện tích 70
m2. Hỗ trợ đất sản xuất cho bà con đồng bào để có tư liệu sản xuất. Hỗ
trợ công trinh nước sinh hoạt tập trung cho bà con. Xây dựng đường giao thông
nông thôn, điện. Xây dựng nhà dài văn hóa dân tộc, tập huấn bảo tồn văn hóa dân
tộc Chơ ro, hỗ trợ cồng chiêng, trung phục truyền thống nhằm góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Chơ ro.
Con em đồng bào dân tộc Chơ ro được hỗ trợ học tập miễn phí ở các trường dân tộc
nội trú trên địa bàn tỉnh. Đồng bào được hỗ trợ bò giống sinh sản, tập huấn
khuyến lâm, khuyến ngư nhằm giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất,
nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con đồng
bào dân tộc Chơ ro.

Nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Chơ ro, xã Phú Lý,
huyện Vĩnh Cửu
* Thay đổi diện mạo vùng đất căn cứ
địa cánh mạng
Việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, thực
hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách hỗ trợ đầu
tư đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của địa phương, các điều kiện về cơ sở hạ
tầng như: điện, đường, trường, trạm đã được nâng cấp, sửa chữa tạo điều kiện
thuận lợi cho nền kinh tế của địa phương phát triển.

Diện
mạo mới nông thôn vùng đồng bào dân tộc Chơ ro,tại xã Phú lý, huyện
Vĩnh Cửu
Cách đây khoảng hơn 10 năm, xã Phú Lý còn là một trong
những xã khó khăn, giao thông còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế người dân còn
nhiều thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể, thời điểm năm 2015, xã
Phú Lý còn tới 42% hộ nghèo, thì hiện nay toàn xã chỉ còn 0,6% hộ nghèo theo
tiêu chuẩn mới của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 từ 34
triệu đồng/năm tăng lên 58 triệu đồng/năm vào cuối năm 2019.

Đồng bào Chơ ro
thực hiện nghi thức rước hồn lúa trong Lễ hội Sayangva
Làng
đồng bào dân tộc Chơ ro những năm gần đây cũng thay da đổi thịt khi con em được
đi học ngày một cao, đời sống kinh tế gia đình các hộ dân tộc được cải thiện.
Các mô hình kinh tế giảm nghèo, nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo cũng được Nhà nước hỗ
trợ tối đa. Làng dân tộc Chơ ro có 166 hộ, hiện nay chỉ còn 05 hộ nghèo. Những
năm gần đây, nhờ có doanh nghiệp hoạt động tại địa phương và một số công ty tại
Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) tuyển công nhân và có xe đưa rước
mỗi ngày nên có khoảng 70% gia đình đồng bào dân tộc có con em đi làm công
nhân. Hiện nay tại địa phương đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến
trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế như: hộ ông Huỳnh Công Mạnh với mô
hình trồng trọt, chăn nuôi bò; hộ ông Điểu Hoàng với
mô hình trồng cao su và điều, chăn nuôi, chạy xe dịch vụ du lịch; bà Nguyễn Thị
Anh Đào, nhân viên y tế đạt thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch
bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện và các phong trào thi đua yêu nước; giáo viên
Hồ Thị Thanh đạt lao động tiên tiến trong nhiều năm, đạt giáo viên dạy giỏi cấp
huyện và chiến sĩ thi đua cơ sở; hộ ông Huỳnh Công Danh đạt danh hiệu gia
đình hiếu học… Ngoài sự nỗ lực của bà con thì sự quan tâm của chính quyền địa
phương các cấp chính là động lực giúp bà con thoát nghèo. Nhiều người có cuộc
sống khá hơn nhờ có thu nhập ổn định. Bà con rất phấn khởi, kỳ vọng trong tương
lai, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Đồng bào dân tộc Chơ ro biểu diễn văn nghệ chào mừng Lễ
hội Sayangva
Công tác bảo tồn và phát huy các
giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được sự quan tâm của Đảng,
Nhà nước và của tỉnh. Hiện nay đồng bào dân tộc Chơ ro xã Phú Lý còn lưu giữ
nhiều nét văn hóa truyền thống. Hàng năm vào khoảng giữa tháng 3 Âm lịch, đồng
bào dân tộc tổ chức Lễ hội Sayangva, Lễ cúng được tổ chức vào những ngày
trời đẹp, đêm có trăng sáng. Đây là Lễ hội lớn của cộng đồng và để lại dấu ấn
về lễ nghi nông nghiệp của người Chơ ro thu hút cả cộng đồng tham gia. Đồng
bào Chơ ro vui chơi, ca hát, nhảy múa trong không khí náo nhiệt của những
ngày lễ hội được tổ chức sau nhiều ngày mệt nhọc làm việc vất vả. Lễ hội
là hình ảnh hội tụ khối đại đoàn kết các dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa của
các dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một hoạt động thiết thực và nhiều ý
nghĩa góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào
dân tộc Chơ ro và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Thổ Thanh Minh