Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Tin địa phương

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân - Người con dân tộc Thái luôn gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân, người con của đồng bào dân tộc Thái sinh, hiện đang thường trú tại ấp 1, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Vào tháng 4 năm 1978, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra ác liệt, nhiều lớp thanh niên Việt Nam tiếp tục lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi non sông, đất nước và Bác Hồ kính yêu. Khi đó ông mới 19 tuổi, lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 442 thuộc Quân khu 4. Vào bộ đội được 04 tháng huấn luyện, ông được chuyển vào Nam thuộc Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 với chức vụ là Hạ sĩ. Tháng 8 năm 1978, ông lên đường cùng đồng đội sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, là đối tượng Đảng khi mới nhập ngũ, ông đã được kết nạp Đảng trong những ngày chiến tranh gian khổ ấy.
Sau một thời gian ngắn huấn luyện tại đơn vị, ông cùng đồng đội được tham gia chiến đấu tại tỉnh Svay Rieng (Campuchia) cùng lực lượng vũ trang nước bạn chống quân Pol Pot, góp phần giúp nước bạn giải phóng.
​​
Ông Nguyễn Ích Hiệp – Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Thành tặng quà cho Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân
Hơn 03 năm chiến đấu trên chiến trường giúp nước bạn, ông và đồng đội đã trải qua 30 trận đánh, tiêu diệt được 14 tên, thu 04 súng. Trong đó, trận đánh mà ông nhớ nhất đã theo ông hơn 40 năm qua là trận Đại đội 7 của ông đánh vào căn cứ Amleng. Ông kể lại, lúc đó ông là Trung đội trưởng Trung đội 1, dẫn đơn vị truy quét tàn quân Pol Pot tại Amleng, tạo vùng an toàn, mở đường cho đồng đội về căn cứ. Vùng Amleng vào thời điểm đó là cánh đồng rộng, không có dân ở, địa hình rất khó để các anh em bám trận địa đánh giặc. Khẩu đội đại liên của trung đội ông đã hy sinh và hiện chỉ còn có 02 đồng chí, gồm ông và 01 đồng đội bị thương. Sau đó, ông cố gắng gom vũ khí và đưa đồng đội vào một nơi an toàn, quyết tâm sống chết với quân thù. Lúc này ông chỉ còn khẩu AK, 01 băng đạn, 02 quả mìn loại mỏ vịt cùng 01 khẩu AK nguyên băng đạn của đồng đội. Ông xác định mình sẽ khó mà vượt qua nên định bụng để bọn tàn quân tiến sát, sẽ giật chốt quả mìn diệt giặc. Bọn tàn quân tràn lên theo nhóm nhỏ chừng 07 đến 09 tên và xả đạn lung tung. Ông đặt đồng đội nằm im ở một vị trí an toàn rồi xả đạn trung liên, trúng đạn chúng chết một số, số còn lại bỏ chạy tán loạn khỏi trận địa, một số đầu hàng... Sau đó, ông dìu đồng đội về đơn vị trong đêm khuya.
Với những thành tích diệt và bắt sống giặc, ông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 3 năm 1981, nhiều huân, huy chương và bằng khen cao quý.
Ông luôn trăn trở, trong trận chiến với quân thù, ông còn may mắn sống sót để trở về nên phải nỗ lực sống tốt, sống xứng đáng thay cho những người đồng đội đã nằm lại chiến trường. Hoàn thành nhiệm vụ giúp nước bạn, ông và những đồng đội của Sư đoàn 7 trở về nước công tác tại Phòng Chính trị sư đoàn. Đến năm 1985, ông được cử sang Liên Xô học tập. Khi trở về nước tiếp tục học tại Trường hữu nghị Việt Xô, rồi trở lại đơn vị công tác. Đến năm 1989, do ảnh hưởng của vết thương và cuộc sống khó khăn, ông xin phục viên, trở về sinh sống tại xã Bàu Cạn huyện Long Thành cho đến nay.
Trở về cuộc sống đời thường, ông luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh và luôn phấn đấu gương mẫu với vai trò là Đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Quyết tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, vợ chồng ông đã nỗ lực để canh tác hơn 7.000 m2 đất rẫy cỏ mọc hoang dại thành những vườn cây ăn trái, những rẫy mì xanh tốt và chăn nuôi theo mô hình vườn, chuồng kết quả tốt. Với nỗ lực không mệt mỏi, vợ chồng ông đã vươn lên trở thành gia đình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, có nhiều đóng góp cho Hội Cựu chiến binh cơ sở, giúp đỡ người khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội thiện nguyện theo đúng phương châm: anh hùng trong chiến đấu, tỏa sáng chất ngọc trong cuộc sống đời thường.
Khi còn làm ở Hội Cựu chiến binh xã Bàu Cạn, liên tục nhiều năm, ông đã góp sức cùng Hội Cựu chiến binh xã hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm, phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, được nhiều khen thưởng của cấp trên. Đặc biệt, ông đã tham gia tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào như: ủng hộ vật chất, ngày công lao động vào phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Do ảnh hưởng của vết thương trong chiến đấu, hiện ông đã xin nghỉ công tác Hội Cựu chiến binh nhưng vẫn luôn là hội viên Cựu chiến binh tích cực, đảng viên mẫu mực, tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở cơ sở như: nói chuyện truyền thống cho học sinh các trường học hoặc cho thanh niên trước khi nhập ngũ; tích cực tham gia giúp đỡ người nghèo, người khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nơi cư trú.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân, người con của đồng bào dân tộc Thái luôn gương mẫu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chiến đấu cũng như trong lao động, sản xuất./.​

Dương Thanh

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​