Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Trang phục truyền thống của dân tộc Mường

​Trang phục truyền thống là di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đặc trưng rất dễ nhận biết của từng dân tộc, được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt, thể hiện sự hòa hợp của con người với môi trường, với thiên nhiên và xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của tộc người.

Cũng giống như các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, dân tộc Mường mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền với bản sắc văn hóa mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần đặc sắc và ấn tượng. Trong đó, bộ trang phục truyền thống là một trong những yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường - không lộng lẫy, rực rỡ nhưng trang nhã, hài hòa và mang đậm dấu ấn của người Việt cổ.

Trang phục của nam giới người Mường gần giống với trang phục truyền thống của người Kinh. Về áo, có hai loại là áo cánh và áo dài. Áo cánh may xẻ ngực, cài khuy, hai vạt áo trước may hai chiếc túi khá to, trên ngực trái may một túi nhỏ có gân chéo ở gần miệng túi và làm bằng vải màu trang trí, tay áo dài buông tới mu bàn tay. Áo dài có hai loại, loại may bằng lụa màu xanh, tím, vàng và loại may bằng vải bong màu đen sẫm. Áo dài đến ngang đầu gối, cài khuy lệch về bên sườn phải, hai bên xẻ tà cao ngang hông, cổ áo đứng và cứng thường được mặc trong các dịp lễ, tết hay những sự kiện quan trọng của gia đình, cộng đồng; Quần của nam giới là loại có ống và cạp rộng, thường có màu trắng hoặc màu nâu.

​​ 

        Trang phục của đàn ông và phụ nữ dân tộc Mường ở xã Phú Túc, huyện Định quán, tỉnh Đồng Nai

Trang phục của phụ nữ Mường đa dạng hơn của nam, gồm váy và áo. Áo gồm có áo ngắn và áo dài, trong đó: áo ngắn dùng để mặc thường ngày, loại áo này bó sát thân, xẻ ngực, thường không có khuy hoặc có một chiếc khuy bấm ở ngang ngực nên để lộ phần cạp váy trước ngực và chiếc yếm bó sát ngực. Áo dài thường mặc để tiếp khách, đi lễ hội, đám cưới, thường dài quá đầu gối, phần nửa thân trên giống áo ngắn, phần nửa thân dưới từ eo xuống rộng dần, áo xẻ ngực, không xẻ tà; Váy của phụ nữ Mường là loại váy màu đen dài chấm gót. Nét đặc trưng nhất trên chiếc váy là phần cạp váy với đường nét hoa văn tinh tế, khi mặc mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể, chứa đựng một số lượng khá phong phú nhưng không phô trương, thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt đồng thời cũng tạo nên cá tính và nét đặc sắc trong trang phục người phụ nữ Mường.

 

Người Mường ở Phú Túc, huyện Định Quán thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa ở địa phương

Ở Đồng Nai, người Mường có nguồn gốc chủ yếu từ các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, sinh sống tập trung đông nhất ở xã Phú Túc, huyện Định Quán. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống của người Mường nói chung và bộ trang phục truyền thống nói riêng cũng có nhiều thay đổi so với truyền thống văn hóa ở quê hương bản xứ nhưng về cơ bản vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng. Trong xu thế có nhiều sự lựa chọn về trang phục như hiện nay nhưng người Mường ở Đồng Nai nói chung và người Mường xã Phú Túc, huyện Định Quán nói riêng vẫn luôn lưu giữ, trang bị cho mình ít nhất một bộ trang phục truyền thống để mặc trong các sự kiện quan trọng của gia đình, dòng họ hoặc trong các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa tại địa phương tạo nên một nét rất riêng, rất đặc trưng của dân tộc Mường./.​


Ngô Thị Luyến

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​