Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Tăng cường giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số

Hiện nay, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục thì nhiều chương trình, hoạt động nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã được đưa vào lồng ghép trong chương trình học của học sinh các Trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ", đồng thời triển khai thực hiện tốt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

Tiết mục văn nghệ giới thiệu về văn hóa dân tộc Dao của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú – Định Quán.

Giáo dục văn hóa dân tộc là hoạt động nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc, hình thành và phát triển các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hóa truyền thống của địa phương để tiếp thu, học hỏi, vận dụng trong hiện tại cũng như sau này. Đồng thời nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng, bài trừ những hủ tục còn lạc hậu trong văn hóa dân tộc.

Theo đó, ngay từ đầu năm học các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch về giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh, nội dung cụ thể là giáo dục truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam mà trước hết là tìm hiểu về các thành phần dân tộc của học sinh trong nhà trường; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, từng bước hình thành ở học sinh lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác với những hoạt động cụ thể như:​

 ​

Giới thiệu món Canh bồi của Dân tộc Chơro trong Sinh hoạt chuyên đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc" tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Điểu Xiểng

Giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua việc tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật theo yêu cầu chung của Bộ giáo dục và Đào tạo. Trong đó căn cứ nội dung và yêu cầu của từng môn học, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng lồng ghép và tích hợp các nội dung về văn hóa dân tộc cho phù hợp. Qua đó, giúp các em học sinh củng cố về vốn ngôn ngữ của dân tộc mình, hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, truyện dân gian,… của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục thông qua hoạt động dưới cờ cũng được nhà trường áp dụng và triển khai thực hiện có hiệu quả, theo đó nhà trường phân công giáo viên hỗ trợ, các lớp phụ trách tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống văn hóa dân tộc (mỗi lớp giới thiệu 1 dân tộc) bằng các hình thức thuyết trình, biểu diễn văn nghệ, thời trang … Việc giáo dục văn hóa dân tộc còn được triển khai lồng ghép trong các hội thi, hội diễn văn nghệ, thời trang, trò chơi truyền thống trong các ngày lễ lớn như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - 3/2, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh - 26/3, Ngày nhà giáo Việt Nam - 20/11,…

 

Hình ảnh trưng bày về những đặc trưng văn hóa người Dao trong hoạt động tuyên truyền và giáo dục văn hóa dân tộc của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú – Định Quán.

Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc; mua sắm, sưu tầm thêm trang phục truyền thồng, các hiện vật về nhạc cụ dân tộc, các vật dụng trong sinh hoạt truyền thống, …; mời già làng về trường tham gia các chuyên đề giáo dục văn hóa dân tộc để học sinh có cơ hội được trò chuyện trao đổi sâu hơn về văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động giữa giờ cho học sinh trải nghiệm,…

 

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú – Định Quán mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi tham gia hoạt động tuyên truyền và giáo dục văn hóa dân tộc

Có thể nói, việc lồng ghép giáo dục dân tộc không chỉ nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Đặc biệt, thông qua môi trường giáo dục, ngay trên ghế nhà trường sẽ giúp học sinh có những hiểu biết sâu rộng về truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc, cũng như hình thành sự tự tôn, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.​​


Ngô Thị Luyến

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​