Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến đáng kể, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công tác triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025" theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Trên cơ sở Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung của Đề án bằng nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú.

Theo đó, trong giai đoạn 2020-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho 5.264 đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tổ chức 06 Hội nghị tập huấn cho 1.318 đại biểu về nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới.

 

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Đến nay, các nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vị trí và vai trò bình đẳng của nam và nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội. Việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động đã được tổ chức và mang lại hiệu quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Các mô hình về bình đẳng giới đã phát huy hiệu quả, khuyến khích đồng bào dân tộc quan tâm đến việc xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe,… góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tạo hiệu ứng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyên truyền về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập; dù có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Nguyên nhân là do đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng đặc thù, đời sống có nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các dịch vụ nâng cao dân trí hạn chế; hạn chế về trình độ học vấn; phong tục, quan niệm cũng có nhiều điểm lạc hậu. Hơn nữa, quan niệm về bình đẳng giới với người dân tộc thiểu số vẫn còn khá mới, nam giới được giao quá nhiều quyền lực, trọng trách. Các buổi truyền thông bình đẳng giới có rất ít đàn ông tham gia. Do đó, việc tuyên truyền đối tượng này cũng phải chú trọng vào đặc điểm, phong tục tập quán, nếp nghĩ, nếp sống, thói quen...

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện đời sống kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng hơn đến đối tượng phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025"; Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025" trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới có chất lượng hướng tới đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mang tính định kiến giới, coi thường, hạ thấp vai trò của phụ nữ, đề cao nam giới.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới ở cấp cơ sở. Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.

Cùng với đó, nâng cao vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực thông qua việc tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản pháp luật gắn với cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp; tăng cường các hoạt động giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống, qua đó nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển./.​


Hồ Thị Tuyết Nhung

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​