Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro, huyện Vĩnh Cửu

Vĩnh Cửu là huyện bán trung du có diện tích tự nhiên trên 109 ngàn ha, trong đó có gần 80% là diện tích đất rừng và lòng hồ Trị An. Huyện có 12 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và thị trấn Vĩnh An với 64 ấp, khu phố. Trong quá trình hình thành và phát triển, huyện Vĩnh Cửu  với 19 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Trong đó, có dân tộc Chơro với 373  hộ, gần 1.000 nhân khẩu sinh sống tập trung tại ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý.

 Cũng như các cộng đồng dân tộc khác cư trú trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, đồng bào dân tộc Chơro nơi đây đã trải qua nhiều thay đổi lớn gắn liền với lịch sử của dân tộc. Qua các giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng nhìn chung người Chơro ở Lý lịch vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố truyền thống trong phong tục tập quán, hoạt động lễ hội, lối sống cộng đồng.

 Ấp Lý Lịch 1- xã Phú Lý trước năm 2010 là một trong những ấp trong diện đặc biệt khó khăn của huyện, nhưng từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đầu tư cho ấp cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đa dạng, phong phú góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp  của đồng bào từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc" ra đời. Huyện Vĩnh Cửu xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài.  Huyện tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, chú trọng việc khôi phục, phát triển phục vụ du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc  Chơro nơi đây.

Lễ hội truyền thống của đồng bào Chơro  được phục dựng và duy trì tổ chức hàng năm. UBND huyện chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan hướng dẫn đồng bào dân tộc Chơro, xã Phú Lý tổ chức tốt Lễ hội Sayangva sôi nổi cả phần lễ, phần hội: Nghi thức cúng Thần Lúa, nướng cơm lam, làm bánh dày, thịt nướng cùng với đọt mây và lá bép, ủ rượu cần, bắn nỏ, múa sạp, thổi kèn lúa, kèn môi, hát đối và cùng các sinh hoạt nghệ thuật dân gian khác với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn riêng có của dân tộc Chơro.

 

Nghi thức rước thần Lúa trong lễ SaYangVa của người Chơro

 

Chuẩn bị lễ vật dâng lên thần linh trong nghi thức cúng thần Lúa

Nghệ thuật biểu diễn Cồng Chiêng là loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Chơro là không thể thiếu được trong Lễ hội. Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Lý còn lại 5 nghệ nhân người Chơro còn có khả năng biểu diễn, truyền dạy lại nghệ thuật biểu diễn Cồng Chiêng cho lớp người kế tục; lưu giữ được 6 bài Cồng Chiêng của đồng bào mình, đó là các bài: Chào khách, Dân làng lên núi rừng, Dân làng cùng nhau bảo vệ quê hương, Phượng hoàng bay, Giã gạo  và  Ru con.

 

Nghi thức đánh cồng chiêng mời khách trong lễ SaYang va

Trong những năm qua Huyện đã chỉ đạo, các phòng ban chuyên môn phối hợp UBND xã Phú Lý tổ chức mở lớp truyền dạy nghệ thuật biểu diễn Cồng Chiêng cho thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Chơro. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức trao tặng cho đồng bào dân tộc Chơro xã Phú Lý 02 bộ Chiêng (mỗi bộ 6 cái) để các em có nhạc cụ tập luyện. Bên cạnh việc học tập tiếp thu nghệ thuật biểu diễn Cồng Chiêng, các em còn được trang bị trang phục và các nhạc cụ truyền thống để luyện tập, sinh hoạt, biểu diễn trong Lễ Hội truyền thống của dân tộc mình.

Huyện đã lập thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư “Dự án bảo tồn ấp văn hóa truyền thống dân tộc Chơro-xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu tạo nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng bền vững"; việc đầu tư bảo tồn ấp văn hóa Lý Lịch 1 có ý nghĩa tạo động lực mới trong xây dựng và phát triển nông thôn mới ở địa phương, phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa, giúp cho người Chơro ở Lý Lịch 1 bảo tồn được bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương còn khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm  đặc thù, mang tính truyền thống địa phương (các sản phẩm từ bưởi, nhung hươu nai, cam, quýt Hiếu Liêm, Phú Lý..); khôi phục, bảo tồn phong tục tập quán, lễ hội truyền thống tạo ra những nét đẹp đặc trưng để phục vụ khách du lịch; tổ chức các hoạt động về nguồn gắn với công tác giáo dục truyền thống cho học sinh tại các di tích lịch sử, khuyến khích các trường học trên địa bàn huyện tham quan các Điểm du lịch của huyện góp phần thúc đẩy phát triển và quảng bá du lịch.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc việc giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương cũng đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, trong di tích danh thắng, Lịch sử Chiến khu Đ - Đồng Nai có 3 di tích được  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm: di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; di tích Căn cứ Khu ủy miên Đông Nam và di tích Địa đạo Suối... Qua đó, đã phát huy tích cực các mặt giá trị về giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, là địa điểm nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử, tập tục của đồng bào dân tộc...Đồng thời là địa chỉ về  nguồn cho thế hệ trẻ, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các em học sinh, thanh niên và Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thời trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn nhất định như:  Hiện tại Xã Phú Lý số người biết nghệ thuật biểu diễn Cồng Chiêng còn rất ít, các nghệ nhân biết đánh và chỉnh Cồng Chiêng nay đã già yếu, một số đã qua đời trong khi thế hệ trẻ chưa có sự tiếp cận, thu thập kịp thời; Lễ hội dân gian cũng đang có sự thay đổi, mai một so với truyền thống, các nghi lễ của cộng đồng dần bị đơn giản hóa, người dân tham dự vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ đang ngày một ít dần. Trang phục truyền thống và tiếng Chơro trong sinh hoạt ngày càng ít người sử dụng.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có sự dịch chuyển, vận động của nền kinh tế thị trường, sự biến đổi xã hội đã làm cho nền văn hóa truyền thống bị suy giảm, các hoạt động văn hoá trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số dần bị mai một. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, huyện xác định thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân của huyện trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch. tuyên truyền cho đồng bào dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới…

Hai  là, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh",  phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa",  cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua của đơn vị, địa phương. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc trên địa bàn, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Ba là, Thực hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng; phát huy vai trò của các quy ước, hương ước trong bảo tồn các giá trị văn hóa, chú trọng gắn kết việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc của địa phương./.


Nguyễn Thị Hiên

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​