Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Hoạt động chuyên ngành

Bàn về giải pháp phát huy vai trò của già làng, người uy tín trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, với sự phát triển và hội nhập quốc tế đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Sự giao lưu và cùng với quá trình di cư mạnh mẽ của các dân tộc thiểu số đã làm phong phú, đa dạng hơn những nét văn hóa vốn có, đồng  thời cũng là một thách thức đối lớn đối với các cộng đồng dân tộc trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong dòng chảy hội nhập đó thì vai trò của già làng, người có uy tín càng được khẳng định vì chính họ là sự hiện thân của những gắn bó, am tường về lịch sử tộc người, truyền thống và kho tàng tri thức dân gian dân tộc - là đại diện tiếng nói của cộng đồng bởi khả năng truyền đạt và giáo dục lại cho thế hệ sau về truyền thống văn hóa dân tộc của cộng đồng mình.

Vai trò của già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 170 xã, phường, thị trấn, trong đó có 92 ấp/24 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi (viết tắt là DTTS&MN) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg; 58 ấp DTTS&MN không nằm trong xã khu vực I theo điểm a khoản 8 của Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 của Chính phủ đạt tỷ lệ 15% hộ dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số khoảng 3,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có trên 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời, phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Mỗi dân tộc đều có văn hóa, truyền thống riêng về ngôn ngữ, trang phục, tập quán, lễ hội… tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc.

Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thì già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn đóng vai trò quan trọng trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội; là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với cộng đồng dân tộc; có tầm ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

 

Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen ghi nhận những đóng góp của già làng, người có uy tín

Một số kết quả trong công tác phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Toàn tỉnh đã sưu tầm và lưu giữ hơn 170 hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số. Trong đó lưu giữ 20 hiện vật của người Thái, 23 hiện vật của người Cơ ho, 23 hiện vật của người Mạ, 40 hiện vật của người Mường, 46 hiện vật của người Hoa, 18 hiện vật của người S'tiêng. Quá trình sưu tầm và lưu giữ các hiện vật của các cấp các ngành có sự phối hợp chặt chẽ của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Các giá trị văn hóa phi vật thể như (hát kể tăm-pớt của dân tộc Mạ, tín ngưỡng và lễ hội dân gian của người Hoa, chuyện kể của người Mạ và người Chơ ro; truyền dạy biểu diễn cồng chiêng hay như việc khôi phục và bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ, dệt chiếu Lùm, chế tác đàn tre của đồng bào Chơro ... cũng chính do già làng, người có uy tín đứng ra truyền dạy.

 ​


Già làng, nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong mỗi dịp lễ hội

Các Lễ hội, tết truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành và địa phương hỗ trợ tạo điều kiện phục dựng, khôi phục và tổ chức hàng năm như: Sayangva, Sayangvri (dân tộc Chơ ro), Yang Bơ nơm, Yang Koi (dân tộc Mạ), Tả tài phán, Lễ làm chay, lễ hội Chùa Ông (người Hoa), Cholchnamthmay, Sendolta, Ocomboc (dân tộc Khmer), Ramandan, Roya Haji (dân tộc Chăm), Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), Khai Hạ (dân tộc Mường), Cấp Sắc (dân tộc Dao)… mang đậm sắc thái truyền thống của từng dân tộc, tạo được không khí tươi vui, đoàn kết và thân ái tại các địa phương. Trong hoạt động này, già làng, người có uy tín giữ vai trò là người truyền lửa, duy trì những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, hơn ai hết, họ là người yêu quý, trân trọng, ra sức giữ gìn cũng như khuyến khích, kêu gọi bà con lưu giữ những đồ vật, vật dụng truyền thống của dân tộc mình, như: Cồng chiêng, trang phục áo, khố, váy truyền thống, lưu truyền những nét đặc sắc trong các sản phẩm văn hóa dân tộc như các họa tiết, hoa văn, màu sắc truyền thống. Duy trì việc thờ cúng theo tín ngưỡng truyền thống dân gian, thông qua kiến thức an tường về địa lý, thiên văn và các hiện tượng tự nhiên trong văn hóa cộng đồng qua những đúc kết từ quan sát lâu năm tạo thành. Vì thế già làng người có uy tín thường làm chủ trong các nghi thức lễ.

 

Vai trò chủ lễ của già làng, người có uy tín trong mỗi dịp lễ, tết

​Trong việc phát huy công năng của nhà văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh: Tỉnh Đồng đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa dân tộc Stiêng, Chơ ro, Mạ, Chăm, Mường... thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu và Thống Nhất đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời tỉnh cũng đã trang bị 2 đợt gồm: 16 bộ cồng, 15 bộ chiêng, 8 bộ trống, 3 bộ chập chạ, 2 bộ ngũ âm... cho các Nhà văn hóa dân tộc và nơi có đồng bảo dân tộc sinh sống. Tại các nhà Văn hóa trên, Ban Chủ nhiệm nhà Văn hóa dân tộc do già làng, người có uy tín tham gia. Hiện nay nhà văn hóa dân tộc đã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng, dạy hát múa dân ca bằng tiếng dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.

 

Già làng, người có uy tín dân tộc Khmer với việc truyền dạy bộ ngũ âm cho thế hệ trẻ

Già làng, người có uy tín là cầu nối vận động đồng bào DTTS tham gia các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới"; “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư"; vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, ấp/ khu phố văn hóa. Già làng, người có uy tín đã truyền đạt, giải thích cặn kẽ cho nhân dân về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư đồng thời phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, nhất là trong thực hiện việc cưới hỏi, tang lễ và lễ hội. Già làng và người có uy tín cũng là người đi đầu bài trừ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình thực hiện, nhiều già làng, trưởng bản và người có uy tín đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn giá trị văn hóa, ổn định an ninh trật tự, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

 

Già làng, người có uy tín vận động bà con tham gia các hội nghị tuyên truyền

Giải pháp phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh

Một là, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng về công tác dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quán triệt nhất quán quan điểm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII: “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sâu rộng trong quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin cho già làng, trưởng bản, người có uy tín để mỗi vị đều trở thành cầu nối chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến với nhân dân và là nơi phản ánh những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước, của tỉnh Đồng Nai đến với nhân dân trên địa bàn cư trú.

Ba là, tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín đồng thời nghiên cứu xây dựng các chế độ hỗ trợ đối với già làng, nghệ nhân dân gian người dân tộc thiểu số; Hoàn thiện các quy định, quy chuẩn xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có trình độ, am hiểu phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình, có uy tín thực sự và gắn bó với nhân dân trong ấp, khu phố, được nhân dân trong ấp/khu phố tín nhiệm và bầu chọn.

Bốn là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp tiếp tục tăng cường,  phát huy vai trò già làng, người có uy tín tham gia vào Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa dân tộc, các câu lạc bộ, tổ hòa giải cộng đồng, tổ chuyển đổi số… tại địa bàn cư trú nhằm tạo thuận lợi cho già làng, trưởng bản, người uy tín có điều kiện phát huy tốt trách nhiệm hoạt động của mình tại địa bàn cư trú. Đồng thời làm tốt công tác biểu dương khen thưởng để khích lệ động viên kịp thời tạo sự công bằng, tạo động lực già làng, trưởng bản,  người có uy tín tâm huyết và cống hiến đối với công tác của mình tại địa phương.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan báo, đài để xây dựng những chuyên trang, chuyên mục giới thiệu những gương điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa trong cộng đồng là già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, già làng, người có uy tín chính là “bảo tàng sống" về kho tàng tri thức, văn hóa truyền có sức lan tỏa trong cộng đồng./.


Nguyễn Thị Hiên

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​