Thứ 6 - 26/02/2016
Màu xanh nước biển Màu đỏ Màu vàng Màu xanh lá cây

Chỉ đạo điều hành

Phát huy vai trò của Nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu cụ thể phấn đấu 100% Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, Trung tâm văn hoá, thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã; 90% Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố hoạt động hiệu quả. Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-UBND ngày 05/4/2021 về Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong số các thiết chế văn hóa tại cơ sở, Nhà Văn hóa dân tộc đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa đảng bộ, chính quyền các cấp với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây là địa điểm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Nơi đây tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thường xuyên diễn ra các lớp truyền dạy cồng chiêng, dạy nghề truyền thống cho bao lớp thế hệ. Vì vậy có thể nói đây là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số từ bao đời.

 

Nhà Văn hóa dân tộc Chơro (Xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động Văn hóa của đồng bào

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa cho đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Long Thành, Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh. Nắm bắt nhu cầu sinh hoạt mang tính cộng đồng, Ban Dân tộc tổ chức mua sắm và bàn giao nhạc cụ truyền thống cho các nhà văn hóa và 13 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh với số lượng gồm: 16 bộ cồng; 15 bộ chiêng; 10 bộ chập chạ, 02 bộ ngũ âm, 8 cái trống, 1 đàn tính, 01 kèn bầu và 03 đàn tre; tổ chức thăm và tặng quà nhân dịp các Lễ, tết truyền thống của đồng bào.

Tại nhà văn hóa các dân tộc còn được đầu tư trang bị thêm tủ sách, tài liệu hiện vật gốc có giá trị là minh chứng cho câu chuyện về lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, vào các dịp lễ hội, tết truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng tổ chức tại đây thu hút bà con tham gia. Các hoạt động lễ hội này được xem là tiềm năng, lợi thế quan trọng phát triển thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn.

 

Nhà Văn hóa Dân tộc S' Tiêng huyện Long Thành được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố

Có thể nói Nhà văn hóa các dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, bởi lẽ:

Nhà văn hóa dân tộc góp phần bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo ra các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa từng dân tộc để trao truyền cho các thế hệ sau. Mặt khác, đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số tạo nên sự gắn kết mang tính cộng động rộng rãi.

Nhà văn hóa dân tộc là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, xã hội của tỉnh nhằm giáo dục cho các tầng lớp đồng bào các dân tộc thiểu số luôn nâng cao ý thức cảnh giác, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chug tay thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Mặt khác đây nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi bà con có dịp trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian.

 

Nhà văn hóa dân tộc – Nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc CơHo

Nhà văn hóa dân tộc vừa là tài sản văn hóa vật thể, đồng thời chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể, do vậy việc khai thác, bảo tồn và phát huy hiệu quả hoạt động phải được chính cộng đồng của dân tộc đó bảo tồn và phát huy. Trong quá trình triển khai các hoạt động này, cần chú trọng nâng cao nhận thức và sự hiểu biết nhất là về giá trị văn hóa truyền thống cho cộng đồng các dân tộc để mỗi người dân trở thành những nhân tố tích cực, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động bảo tồn và phát huy hiệu quả và giá trị của các thiết chế văn hóa.

Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu thì việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn là vấn đề cấp thiết, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ mang tính chiến lược gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa truyền thống trong đó có việc phát huy hiệu quả thiết chế Nhà văn hóa các dân tộc thiểu số, các cấp các ngành trong hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tại các Nhà văn hóa dân dân tộc đã được đầu tư xây dựng, các địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ tết truyền thống của đồng bào để tạo nên không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thu hút các nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ. Đồng thời, nâng cấp sửa chữa đối với các công trình đã xuống cấp, tăng nguồn kinh phí, trang thiết bị như âm thanh, ánh sáng sân khấu, đạo cụ, nhạc cụ, trang phục biểu diễn cho các hoạt động văn hóa để phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong việc nâng cao các giá trị phục vụ lợi ích cộng đồng.

Hai là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa dân tộc, gắn với hoạt động tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các cuộc hội họp, đối thoại, tham vấn ý kiến của đồng bào trong việc xây dựng chính sách.

Ba là, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, phát triển bồi dưỡng năng khiếu trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể thao, gắn với công tác truyền dạy các loại hình nhạc cụ dân tộc, các nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc./.


Nguyễn Thị Hiên

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Cơ quan chủ quản: BAN DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 4/22/10A, đường Nguyễn Du, khu phố 4, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.843836 - Email: bdt@dongnai.gov.vn
© 2014 Bản quyền thuộc Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai​